Chương trình tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tại châu Âu: Củng cố lá chắn chống dịch
Thế giới - Ngày đăng : 07:02, 31/07/2021
Vắc xin phòng Covid-19 hiện là một trong những loại vũ khí hữu hiệu nhất trong cuộc chiến chống dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại quỹ đạo bình thường. Thủ tướng Đức Angela Merkel nhận định, vắc xin đã tạo ra sự khác biệt giữa các làn sóng dịch bệnh, dù số ca nhiễm mới tăng lên song mức độ nghiêm trọng của các ca nhiễm bệnh đã giảm. Viện Y tế quốc gia Italia cho biết, 99% số trường hợp tử vong do Covid-19 được nghiên cứu tại nước này kể từ tháng 2 năm nay thuộc nhóm không được tiêm chủng đầy đủ vắc xin. Chỉ có số ít những người tiêm chủng đầy đủ tử vong do mắc Covid-19, và nhóm này có độ tuổi cao, thường mắc các bệnh nền. Các nhà khoa học Anh đánh giá, hiệu quả ngăn ngừa số ca nhập viện do mắc Covid-19 ở người đã tiêm chủng đầy đủ có thể lên tới 90%.
Tốc độ triển khai vắc xin phòng Covid-19 tại châu Âu có dấu hiệu chững lại, một phần xuất phát từ những thông tin sai lệch như tiêm chủng gây vô sinh, vắc xin phòng Covid-19 làm thay đổi ADN, cùng nghi ngại về mức độ an toàn… Trước làn sóng dịch bệnh mới, các quốc gia châu Âu đã nỗ lực tăng tốc độ và mở rộng chương trình tiêm chủng nhằm nâng cao hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta. Từ đầu tháng 7 này, Bỉ đã triển khai thử nghiệm mô hình tiêm chủng di động “xe buýt vắc xin”, đồng thời tìm kiếm nhiều sáng kiến hơn ở cấp địa phương để người dân dễ dàng tiếp cận các chiến dịch tiêm chủng. Tại Hy Lạp, chính quyền tặng phiếu giảm giá vé đi lại trị giá 150 euro để khuyến khích giới trẻ đi tiêm phòng. Chính phủ Anh thông báo công dân nước này trở về từ hầu hết các nước trong Liên minh châu Âu (EU) sẽ không phải cách ly nếu đã được tiêm chủng đầy đủ.
Trong khi đó, một số nước đã bắt đầu các biện pháp mạnh tay hơn nhằm bảo đảm hiệu quả của việc triển khai vắc xin phòng Covid-19, như yêu cầu người dân phải có chứng nhận tiêm chủng để được xuất hiện tại các điểm tập trung đông người. Italia là quốc gia châu Âu đầu tiên yêu cầu các nhân viên y tế phải tiêm vắc xin phòng Covid-19 nếu không muốn bị đình chỉ mà không được trả lương. Ngày 26-7, Quốc hội Pháp đã thông qua đạo luật yêu cầu người dân phải xuất trình “giấy thông hành y tế” - chứng nhận đã tiêm chủng hoặc xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2 khi đến các địa điểm công cộng bắt đầu từ tháng 8-2021. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, các nhân viên y tế sẽ bắt buộc phải tiêm vắc xin kể từ giữa tháng 9 tới và cũng không loại trừ khả năng tiêm chủng bắt buộc với người dân nếu tình hình dịch diễn biến xấu hơn. Chính phủ Anh hiện đang xem xét việc yêu cầu xuất trình chứng nhận tiêm chủng đối với tất cả các sự kiện có hơn 20.000 người tham dự.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, 70% số người trưởng thành của EU đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin phòng Covid-19. Tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm chủng đầy đủ trong khối này là 57%. Sự nguy hiểm của đại dịch, đặc biệt là sự xuất hiện của các biến chủng mới buộc người dân luôn phải đề cao cảnh giác, song kết quả khả quan từ quá trình triển khai chương trình tiêm chủng vắc xin là cơ sở quan trọng để các quốc gia châu Âu hy vọng sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.