Sơn Tùng - thanh bạch một đời văn
Văn hóa - Ngày đăng : 21:56, 31/07/2021
Một tâm hồn lạc quan
Trái tim nhà văn anh hùng ấy đã ngừng đập vào lúc 23h05 ngày 22-7. Ông ra đi trong những ngày cả nước tri ân những người thương binh liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng.
Sơn Tùng cũng là một thương binh nặng (hạng ¼) với hơn nửa cuộc đời phải sống trong những cơn đau về thể xác do những vết thương thời chiến tranh gây ra. Nhiều mảnh đạn trong sọ não của ông không thể phẫu thuật lấy ra được, thị lực kém, một bàn tay co quắp và một bàn tay chỉ còn 3 ngón. Nhưng trên tất cả những nỗi đau thể xác ấy, Sơn Tùng đã vượt qua để sống một cuộc đời nhà văn, một người cầm bút đúng nghĩa.
Trong hành trình của mình, chưa một phút giây nào Sơn Tùng buông xuôi trước nỗi đau thể xác. Niềm khát khao được viết, được sống với từng thân phận con người trên trang giấy trắng đã giúp ông trở nên mạnh mẽ. Dù có rất nhiều cơ hội để thay đổi cuộc sống, nhưng Sơn Tùng đều từ chối. Ông không nhận món quà là căn hộ khang trang mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng ngỏ ý giúp ông. Cho đến khi rời xa trần gian, ông và vợ cùng các con vẫn sống trong căn nhà nhỏ bé ở ngõ Văn Chương trên phố Khâm Thiên. “Chiếu văn” nơi ông tiếp đón bạn bè trí thức đến đàm đạo, và cả đón nguyên thủ quốc gia cũng chỉ vẻn vẹn chừng 4m2, ai tới cũng ngồi bệt xuống sàn. Và trong căn phòng nhỏ xíu ấy, bao nhiêu trang bản thảo đã ra đời, bao nhiêu cuốn sách đã được in, bao nhiêu tình yêu cuộc sống đã được lan tỏa đến người đọc.
Một bạn văn từng kể lại rằng, ông đã chứng kiến mồ hôi Sơn Tùng rơi xuống trang bản thảo trong lúc ngồi viết bằng những ngón tay co quắp và mùa hè ngoài kia thì như đổ lửa. Chưa bao giờ Sơn Tùng nghĩ rằng với những đóng góp của ông cho hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, với những vết thương chiến tranh ông phải mang trên cơ thể, với những tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại mà tiêu biểu là tiểu thuyết “Búp sen xanh”, ông sẽ được quyền hưởng lợi lộc nhiều hơn người khác. Sơn Tùng như một tấm gương để mỗi người cầm bút hôm nay có thể soi vào, thấm nhuần hơn đâu là giá trị thật của nhà văn. Ông lạc quan trong mọi hoàn cảnh sống, và luôn viết bằng một tình yêu thiết tha với con người, với quê hương, đất nước. Bởi vì trước khi trở thành nhà văn, Sơn Tùng là một nhà cách mạng, 16 tuổi đã tham gia các phong trào thanh niên, sinh viên yêu nước. Ông cầm súng và cầm bút, hoạt động trên các lĩnh vực như tuyên huấn, tuyên truyền, huấn luyện, quân sự, phóng viên.
Thổn thức trước nỗi đau của nhân gian
Với những người may mắn từng được gặp Sơn Tùng, từng được ghé thăm ông và trò chuyện sẽ hiểu sâu sắc con người ông. Một người sinh ra trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh loạn lạc, quê hương tiêu điều, gia đình nghèo khổ, sớm thiếu hơi ấm của cha, phải lớn lên nhờ sự đùm bọc của bà con họ hàng chòm xóm như ông sẽ luôn thấu rõ giá trị của hòa bình, của lòng nhân ái.
Trong tác phẩm “Búp sen xanh”, ông viết: “Mắt mù không đáng sợ bằng mắt sáng tim mù” - đó dường như là thông điệp của ông trong nghề cầm bút. Một trái tim tỉnh thức, biết trao nhận với đời, biết thổn thức trước nỗi đau của nhân gian, có chủ kiến với lẽ phải - trái thời cuộc làm nên một Sơn Tùng đặc biệt, vừa mạnh mẽ ý chí, vừa từ tâm nhân ái trong văn chương và cả trong đời thực. Ông thường khuyên những người viết trẻ hãy bỏ thời gian công sức đi sâu tìm hiểu về đề tài mình định viết. Nghề văn không phải cuộc dạo chơi. Nghề văn không phải chuyện kiếm tìm một cái danh hào nhoáng. Nghề văn là một nghề cực nhọc, dấn thân, và đòi hỏi người cầm bút một sự tận tụy vô cùng tận. Cái sang của nghề văn nằm trong cốt cách của người làm nghề.
Sơn Tùng đã dùng cả đời mình để chứng minh điều đó. Thân thể ông bị tàn phế bởi chiến tranh nhưng tinh thần, thái độ, lao động và cốt cách của ông luôn mạnh mẽ, có thể truyền cảm hứng cho người khác. Dĩ nhiên ông viết nhiều thể loại từ truyện ngắn đến tiểu thuyết, đến kịch bản điện ảnh, đến thơ, về nhiều đề tài khác nhau nhưng nổi lên và quan trọng nhất trong sự nghiệp của ông chính là đề tài Hồ Chí Minh - người lãnh tụ thiên tài của dân tộc.
Trong nền văn học của chúng ta, cho đến nay, số lượng các tác phẩm viết về đề tài Hồ Chí Minh chưa có nhiều, bởi đây là đề tài nhạy cảm, khó, thậm chí là phức tạp. Hồ Chí Minh là một vĩ nhân lớn của thời đại, muốn viết một tác phẩm văn học thuyết phục về Người, nhà văn phải thực sự thấu đáo tư liệu lịch sử, nghiền ngẫm sâu sắc ý tưởng của riêng mình, và phải có lòng kiên định để đi theo những ý tưởng ấy trong quá trình sáng tạo.
Trong hệ thống các tác phẩm Sơn Tùng viết về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh như “Búp sen xanh”, “Bông sen vàng”. “Trái tim quả đất”, “Truyện ký Bác về”, “Nguyễn Ái Quốc qua ký ức của một bà mẹ Nga”..., người đọc có thể nhận ra Sơn Tùng đã in dấu ấn nhà văn riêng ông thông qua những nhận thức và quan điểm độc lập về Hồ Chí Minh. Ông hướng ngòi bút của mình vào những khoảng lặng của lịch sử, cũng như của cuộc đời nhân vật, để khai mở những tâm tư thầm kín, những điều mà trong chính sử ta không thể gặp. Cho dù có lúc Sơn Tùng gặp không ít khó khăn vì chính những gì ông viết ra. Chẳng hạn những lao đao liên quan đến việc ông xây dựng mối tình tuổi trẻ trong trẻo và thầm kín của người thanh niên Nguyễn Tất Thành và nhân vật Út Huệ trong tiểu thuyết “Búp sen xanh”. Rồi phải nhờ đến sự đánh giá công minh của Thủ tướng Phạm Văn Đồng thì cái "án văn chương" ấy mới được giải tỏa, mới đưa nhà văn khỏi những phiền phức.
“Búp sen xanh” không những không bị đình bản mà còn được tái bản, được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đích thân viết lời giới thiệu. Cho đến nay, hàng triệu độc giả trong và ngoài nước đã nghẹn ngào xúc động khi đọc cuốn sách này, càng thêm hiểu và thêm yêu quý Chủ tịch Hồ Chí Minh, một con người tầm vóc nhưng cũng rất đỗi đời thường, gần gũi qua ngòi bút của Sơn Tùng. Có lẽ, Sơn Tùng chính là nhà văn đầu tiên khai mở cánh cửa mới cho dòng văn học viết về nhân vật lịch sử, cho phép ngòi bút của nhà văn đụng đến những vấn đề đời thường nhất, kéo những bậc vĩ nhân đến gần hơn với nhân dân và bạn đọc.
Nhà văn Sơn Tùng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2011. Quả thật ông vô cùng xứng đáng với danh hiệu này. Một người cần mẫn bước từng bước trên con đường của mình, có lúc nhanh lúc chậm nhưng không bao giờ bi quan và không bao giờ rời bỏ mục đích cuối cùng là tạo ra những giá trị sâu sắc cống hiến cho đời bằng chính lao động của mình. Tác giả “Búp sen xanh” đã sống một tuổi thơ dữ dội, một tuổi trẻ sôi nổi, cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng của dân tộc, và những năm tháng đời văn tuy hao mòn về thể lực nhưng trí tuệ và nhiệt huyết vẫn luôn là ngọn đuốc sáng. Sơn Tùng đã chọn sống một đời văn thanh bạch, khước từ mọi hư danh. Ông ra đi nhưng những gì ông để lại cho nền văn học Việt Nam là vô giá.
Nhà văn Sơn Tùng tên thật là Bùi Sơn Tùng, sinh 1928 tại xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Trong suốt thời gian hoạt động nghệ thuật của mình ông đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị, trong đó có các tác phẩm trong lĩnh vực văn xuôi như: "Bên khung cửa sổ" (tập truyện ngắn, NXB Lao động, 1974), "Con người và con đường" (NXB Phụ nữ, 1976), "Búp sen xanh" (tiểu thuyết, NXB Kim Đồng, 1981), "Trần Phú" (truyện, NXB Thanh Niên, 2000), “Bông sen vàng" (tiểu thuyết, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2000), "Bác về" (NXB Phụ nữ, 2000), "Mẹ về" (NXB Phụ nữ, in lần 3 năm 2006), "Bác ở nơi đây" (NXB Thanh niên, 2008), "Cuộc gặp gỡ định mệnh" (NXB Chính trị quốc gia, 2008), "Từ làng Sen" (đồng tác giả, NXB Kim Đồng, 2009)... Kịch bản điện ảnh: "Hẹn gặp lại Sài Gòn" (1990). Khoảng 100 bài thơ, tiêu biểu là bài "Gửi em chiếc nón bài thơ" (1955) được nhạc sĩ Lê Việt Hòa phổ nhạc...