Số ca nhiễm vi rút SASR-CoV-2 trên thế giới vượt mốc 200 triệu

Thế giới - Ngày đăng : 06:04, 04/08/2021

(HNMO) - Theo thống kê, tính đến 6h00 ngày 4-8, toàn thế giới đã ghi nhận 200.187.537 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2, trong đó có 4.257.748 ca tử vong.

 Người dân tiêm vắc xin ngừa Covid-19 tại một điểm tiêm chủng ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc ngày 3-8.

Châu Á - châu Đại dương

Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại các nước Đông Nam Á. Ngày 3-8, Bộ Y tế Lào cho biết nước này ghi nhận 250 ca mắc mới, trong đó có 13 ca lây nhiễm trong cộng đồng, đánh dấu sự gia tăng trở lại của các ca lây nhiễm trong nước. Chính phủ Lào đã quyết định tiếp tục gia hạn lệnh phong tỏa kéo dài từ ngày 4 đến 18-8. Đây là lần thứ 7, Lào gia hạn lệnh phong tỏa vốn được áp dụng từ ngày 22-4 đến nay.

Cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia thông báo nước này ghi nhận 577 ca mắc mới (trong đó có 224 ca nhập cảnh) và 29 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 79.051 ca và 1.471 ca tử vong. Tính đến ngày 2-8, khoảng 7,5 triệu người, chiếm 46,8% dân số nước này đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin ngừa Covid-19.

Cũng trong ngày 3-8, Trung tâm Xử lý tình hình Covid-19 cho biết trong 24 giờ qua, Thái Lan ghi nhận 18.901 ca mắc mới và thêm 147 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và không qua khỏi vì dịch Covid-19 lên lần lượt 652.185 ca và 5.315 ca. Theo cơ quan này, các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn tại 13 khu vực, trong đó có thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận, sẽ được gia hạn tới ngày 31-8. Nước này cũng quyết định áp đặt các biện pháp ngăn chặn Covid-19 siết chặt hơn tại 16 tỉnh khác từ ngày 3-8. Các biện pháp này bao gồm đóng cửa trung tâm mua sắm, hạn chế đi lại và áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm.

Bộ Y tế Philippines ngày 3-8 thông báo ghi nhận thêm 6.879 ca mắc mới Covid-19, nâng tổng số ca mắc ở quốc gia Đông Nam Á này lên 1.612.541 ca. Số ca tử vong vì Covid-19 cũng tăng lên 28.141 người sau khi có thêm 48 bệnh nhân không qua khỏi. Philippines, quốc gia có dân số khoảng 110 triệu người, đang chạy đua để ngăn chặn sự lây lan của biến chủng Delta có khả năng lây lan nhanh - được cho là nguyên nhân dẫn đến "sự gia tăng theo cấp số nhân" các ca mắc Covid-19 trong nước. 

Số ca mắc Covid-19 ở Indonesia đã tăng thêm 33.900 ca lên 3.496.700 ca. Số ca tử vong hiện là 98.889 ca, tăng 1.598 ca. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 31.324 bệnh nhân xuất viện, nâng tổng số bệnh nhân đã bình phục lên 2.873.669 ca.

Tại Đông Bắc Á, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 3-8 cho biết vừa phát hiện 2 bệnh nhân Covid-19 nhiễm biến chủng Delta plus có khả năng lây nhiễm cao. Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc ghi nhận sự xuất hiện phiên bản biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 (Delta plus), vốn là một dòng phụ của biến chủng Delta được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ hồi tháng 4 vừa qua. Cho đến nay, Hàn Quốc đã ghi nhận tổng cộng 6.016 trường hợp mắc 4 biến chủng lây nhiễm chính của vi rút SARS-CoV2, trong đó có 2.983 trường hợp thuộc biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm cao. Cùng ngày, KDCA thông báo Hàn Quốc có thêm 1.202 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 1.152 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên 201.203 ca. Cơ quan chức năng Hàn Quốc cảnh báo rằng làn sóng lây nhiễm thứ tư khó có thể được kiểm soát trong một sớm một chiều.

Nhật Bản cùng ngày thông báo có thêm 12.017 ca mắc mới Covid-19, trong đó riêng thủ đô Tokyo - nơi đăng cai Thế vận hội Olympic 2020, có tới 3.709 ca mắc mới. Trong bối cảnh Nhật Bản đứng trước nguy cơ thiếu giường bệnh khi biến chủng Delta đang lây lan nhanh, ngày 2-8, chính phủ Nhật Bản đã khuyến nghị các bệnh nhân Covid-19 ở Tokyo và một số khu vực khác tự hồi phục ở nhà nếu họ không bị ốm nặng hoặc không có triệu chứng nghiêm trọng. Lo ngại tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước, ngày 3-8, người đứng đầu Hiệp hội Y tế Nhật Bản (JMA) Toshio Nakagawa kêu gọi chính phủ ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp trên phạm vi toàn quốc nhằm kiềm chế sự bùng phát số ca nhiễm Covid-19.

Ngày 3-8, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết đã ghi nhận 61 ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng trong ngày 2-8, trong đó có 45 ca tập trung tại Giang Tô. Trong bối cảnh số ca mắc mới Covid-19 xuất hiện tại nhiều thành phố, chính quyền các địa phương Trung Quốc đang nỗ lực triển khai chiến dịch xét nghiệm diện rộng với hàng triệu người, đồng thời áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại mới nhằm kiểm soát đợt bùng phát lần này. Giới chức thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, cho biết sẽ tiến hành xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ người dân tại đây sau khi thành phố này ghi nhận các ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 đầu tiên kể từ hơn một năm trước.  

Tại Australia, giới chuyên gia y tế nước này đang chuẩn bị cho một "kịch bản ác mộng" khi các dữ liệu ban đầu ở cả trong và ngoài nước cho thấy biến chủng Delta vừa gây ra các tác động nghiêm trọng hơn, vừa khó ngăn chặn hơn. 

Châu Mỹ

Số ca mắc Covid-19 tại Mỹ tiếp tục gia tăng và các bệnh viện chịu sức ép lớn hơn, nhất là tại các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp đang khiến các chuyên gia khuyến cáo người dân đi tiêm chủng. Tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, cho biết trong 7 ngày qua, số ca mắc trung bình mỗi ngày tại Mỹ đã tăng hơn 40% so với tuần trước. Theo dữ liệu mới từ Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ, 50.625 bệnh nhân mắc Covid-19 đã phải nhập viện vào ngày 2-8, nhiều hơn gấp 3 lần so với mức được ghi nhận 1 tháng trước. 

Ngày 3-8, Nhà Trắng cho biết Mỹ đã tài trợ và vận chuyển hơn 110 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 tới hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch này trên toàn cầu.

Các quốc gia nhận được số lượng vắc xin lớn nhất bao gồm Indonesia (8 triệu liều), Philippines (hơn 6,2 triệu liều), Colombia (6 triệu liều), Nam Phi (hơn 5,6 triệu liều), Pakistan (5,5 triệu liều), Bangladesh (5,5 triệu liều) và Việt Nam (5 triệu liều). Phần còn lại của vắc xin được chia sẻ trực tiếp với các đối tác khu vực do chính quyền lựa chọn, chẳng hạn như Mexico và Canada.

Cùng ngày, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã khuyến cáo các chiến dịch tiêm chủng đại trà vắc xin ngừa Covid-19 ở khu vực Mỹ Latinh cần ưu tiên cả cho những nhóm người được cho là có nguy cơ lây nhiễm và tử vong cao hơn từ vi rút SARS-CoV-2.

Châu Âu

Theo thống kê của hãng tin AFP (Pháp) dựa trên các số liệu chính thức, khoảng 50% dân số Liên minh châu Âu (EU) đã được tiêm đủ liều vắc xin ngừa Covid-19. Cụ thể, gần 224 triệu người tại 27 quốc gia thành viên EU đã được tiêm chủng, trong đó Tây Ban Nha dẫn đầu các nước lớn trong khu vực với 58,3% dân số đã được tiêm chủng, tiếp theo là Italia (54,4%), Pháp (52,9%) và Đức (52,2%). Cũng theo thống kê của AFP, đã có 59,3% dân số EU đã được tiêm 1 mũi vắc xin, trong khi con số này tại Mỹ là 57,8%. Các con số này đồng nghĩa châu Âu đã vượt qua Mỹ trong chiến dịch tiêm chủng. Hiện tại, Mỹ mới có khoảng 49,7% dân số được tiêm chủng đủ liều.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Kim Phượng