Sẵn sàng mở điểm bán hàng lưu động

Kinh tế - Ngày đăng : 14:01, 04/08/2021

(HNMO) - Những ngày gần đây, Hà Nội đã phát hiện một số ca F0 tại các chợ truyền thống và các nhà cung ứng đầu vào cho siêu thị, dẫn đến một số địa điểm phải tạm đóng cửa. Vì vậy, bên cạnh việc siết chặt quản lý phòng, chống dịch Covid-19, các nhà phân phối đã chủ động tìm nguồn cung ứng mới, chuẩn bị phương án dự phòng đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô.

​Doanh nghiệp chủ động

Từ ngày 2-8, AEON Việt Nam bắt đầu triển khai các điểm bán hàng lưu động trên địa bàn quận Long Biên nhằm cung cấp thực phẩm thiết yếu cho người dân địa phương. Các xe bán hàng lưu động duy trì tại 4 điểm: Số 5 đường Vạn Hạnh, Khu đô thị Việt Hưng; số 125 Nguyễn Sơn; số 34 phố Bắc Cầu, phường Ngọc Thụy và số 11 Đặng Vũ Hỷ, phường Thượng Thanh. Hàng hóa được cung ứng gồm thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô..., với giá bán được niêm yết rõ ràng bằng với giá bán tại siêu thị. Nhân viên bán hàng và khách hàng đều tuân thủ quy định "5K".

Ông Đàm Mạnh Tuấn, Giám đốc Siêu thị AEON Long Biên chia sẻ, AEON Việt Nam sẵn sàng đồng hành cùng thành phố mở thêm các điểm bán hàng lưu động tại nhiều địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu của người dân Thủ đô.

Tương tự, theo ông Nguyễn Thái Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Bán lẻ BRG kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), sau khi Công ty Thực phẩm Thanh Nga, một trong những nhà cung cấp thịt cho nhiều siêu thị có ca mắc Covid-19, hệ thống Hapro và BRG đã tăng lượng hàng từ các nhà cung cấp khác, như: Công ty TNHH Minh Hiền, Công ty TNHH Thực phẩm Minh Hằng, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam… để bổ sung lượng hàng. Với hàng trăm siêu thị, điểm bán hàng trên địa bàn thành phố Hà Nội, BRG mart và Hapromart bảo đảm đầy đủ hàng hóa phục vụ nhân dân. Đơn vị này cũng sẵn sàng phương án bán hàng lưu động theo yêu cầu của thành phố khi diễn biến dịch Covid-19 phức tạp.

Về công tác phòng, chống dịch, hệ thống siêu thị đã triển khai thêm giải pháp mới sau khi xuất hiện ca nhiễm. Tại siêu thị Co.opmart Hà Nội, thay vì phân luồng, chia nhóm và điều tiết số lượng khách vào bên trong mua sắm, siêu thị đã thí điểm hình thức phục vụ cố định ngay tại siêu thị giúp giảm từ 80% đến 90% nguy cơ tiếp xúc, lây nhiễm.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội, khách hàng đến siêu thị được bố trí ngồi tại khu vực sảnh thoáng, giữ khoảng cách an toàn. Nhân viên Co.opmart được trang bị bảo hộ đầy đủ, tư vấn danh mục hàng hóa theo yêu cầu và chủ động soạn hàng cho khách. Khách chỉ cần ngồi chờ, sau đó có thể thanh toán nhận hàng tại chỗ hoặc về nhà trước, giao hàng sau.

“Theo cách này, khách hàng đến mua sắm tại siêu thị không thể tiếp xúc trực tiếp với nhau như trước đây, giúp hạn chế tập trung đông người tại các quầy thu ngân”, bà Nguyễn Thị Kim Dung chia sẻ.

Thành phố sẵn sàng phương án

Theo Sở Công Thương Hà Nội, có 8.321 điểm bán hàng hóa thiết yếu đặt tại các quận, huyện, thị xã vẫn đang vận hành, cung ứng đủ hàng hóa cho nhân dân (ngoại trừ một số siêu thị, cửa hàng tạm dừng hoạt động do có ca lây nhiễm).

"Các nhà phân phối trên địa bàn đã chủ động tìm nguồn hàng, nhà cung ứng thực phẩm thay thế, do đó nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng thực phẩm trên địa bàn Hà Nội vẫn được bảo đảm", Sở Công Thương Hà Nội đánh giá.

Trong khi đó, tại các chợ truyền thống, nguồn cung hàng hóa thực phẩm vẫn ổn định, giá hàng hóa không có biến động bất thường (một số loại thực phẩm tươi sống giá có tăng nhẹ do chi phí vận chuyển tăng, người dân chỉ được đi chợ 2-3 lần/tuần theo phiếu nên lượng hàng mua nhiều hơn). Nhìn chung, năng lực cung ứng hàng hóa tại các chợ vẫn được duy trì tốt, người dân vẫn dễ dàng tiếp cận với nguồn hàng.

Bên cạnh đó, hình thức mua bán hàng online cũng được đẩy mạnh. Trong tuần đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội, đơn hàng trực tuyến của các siêu thị đã tăng gấp 2-5 lần so với những ngày trước đó. Ngoài ra, hệ thống bưu điện, chuyển phát nhanh cũng bố trí hơn 470 điểm bán hàng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, khu vực phong tỏa, cách ly rộng, nhiều siêu thị, chợ phải dừng hoạt động, thành phố đã có phương án bố trí 1.920 địa điểm dự phòng (là trụ sở, nhà văn hóa…) tại các quận, huyện, thị xã làm kho dự trữ hàng, điểm bán hàng.

Trong trường hợp đó, ngành Giao thông, Công an, Quân đội sẽ chuẩn bị nhân lực, phương tiện hỗ trợ đơn vị phân phối vận chuyển, cung ứng hàng hóa thiết yếu kịp thời đến đơn vị, khu dân cư, vùng cách ly, khu vực phong tỏa…

Bộ Công Thương cũng đã có phương án sẵn sàng hỗ trợ, điều chuyển hàng hóa từ các địa phương khác về Hà Nội, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của nhân dân Thủ đô.

Tại Công điện số 17/CĐ-UBND về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Công Thương phải bảo đảm nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm và cung ứng các mặt hàng thiết yếu phòng, chống dịch, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn thành phố.

Tại công văn khẩn đêm 2-8, Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương Hà Nội chỉ đạo các cơ sở kinh doanh hàng hóa, thực phẩm thiết yếu tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Có phương án bố trí các điểm bán hàng, các phương thức bán hàng bổ sung, lưu động có kiểm soát an toàn dịch bệnh thay thế cho các cơ sở bán hàng thiết yếu đã bị đóng cửa do dịch Covid-19.

Bộ cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp phân phối như: BRG, Aeon, Big C, MM Megamarket…, các chợ cần tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, tăng lượng hàng dự trữ để bảo đảm đáp ứng đủ cho nhu cầu của người dân khi dịch bệnh có diễn biến phức tạp hơn.

​Thanh Hiền