Giảm tối đa thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng

Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:32, 04/08/2021

(HNM) - Trong những năm qua, nhờ đẩy mạnh quản lý dịch hại nên nông dân Hà Nội đã tiết giảm tối đa thuốc bảo vệ thực vật, trong khi năng suất cây trồng lại đứng đầu cả nước. Lợi ích kép này đã giúp người dân không tốn nhiều công chăm bón, xử lý sâu bệnh hại và giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật.

Cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Chương Mỹ kiểm tra chất lượng hoa màu tại xã Thụy Hương. Ảnh: Bạch Thanh

Đây là lý do giải thích cho việc Hà Nội trở thành một trong những địa phương có tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng thấp nhất cả nước. Theo số liệu Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), hiện nay mỗi huyện của Hà Nội trung bình chỉ sử dụng 0,2-0,3kg thuốc trừ sâu bệnh hóa học/ha/năm. Con số này chỉ bằng 1/10 mức sử dụng bình quân trên cả nước về bảo vệ thực vật.

Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Chương Mỹ Trần Thị Thu Trang chia sẻ, để nhiều năm liền Chương Mỹ không phải dập dịch rầy nâu, bạc lá, khô vằn… trên cây lúa là do các xã áp dụng hiệu quả chương trình quản lý sâu bệnh hại (IPM) và thâm canh lúa cải tiến (SRI) trong các khâu làm đất, làm mạ, điều tiết nước, làm cỏ sục bùn, bón phân cân đối... Nhờ đó, năng suất lúa của toàn huyện khá cao, vụ xuân vừa qua đạt 65 tạ/ha.

Đối với cây rau, nông dân Chương Mỹ cũng áp dụng IPM như dùng bẫy bả chua ngọt, ngâm nước mặt ruộng, che phủ bằng màng passlite (vải không dệt)... Nhiều năm nay, gia đình ông Hoàng Văn Khảm, thành viên Hợp tác xã Rau, củ, quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng; tỷ lệ bón phân cũng thấp do áp dụng hệ thống màng phủ với rau ăn lá, tránh sâu bệnh hại, phân bón không bị rửa trôi… "Nếu không may gặp sâu bệnh hại diện rộng thay vì phun thuốc, chúng tôi cày xới, phơi ruộng, rắc vôi bột, coi như hủy toàn bộ lứa rau đó; lứa rau kế tiếp đạt năng suất cao gấp nhiều lần", ông Khảm chia sẻ.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Tuyến, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên) cho hay: “Kinh nghiệm từ 20 năm làm nông nghiệp của tôi cho thấy, nếu nông dân càng phun nhiều thuốc bảo vệ thực vật thì sâu bệnh càng nhiều, hiệu quả phòng trừ thấp, vụ sau lại phải tăng liều. Do đó, với tổng diện tích 260ha lúa, nhiều năm nay, nông dân trong xã không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nếu có bệnh đạo ôn lúa trong vụ xuân, hợp tác xã khuyến cáo nông dân ngắt lá... Với chuột, hợp tác xã thành lập tổ 8 người, căn cứ thời kỳ sinh trưởng phát triển của chuột, của lúa mà xử lý bằng thuốc sinh học. Với ốc bươu vàng, nông dân bắt thủ công hoặc thả vịt chạy đồng để vịt ăn ốc...

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Mạnh Phương, thời gian qua, thành phố đã tổ chức gần 2.000 lớp học về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) dài hạn và ngắn hạn trên cây lúa, rau…, cho  nông dân. Thời gian tới, việc này tiếp tục được tổ chức để bổ sung, hỗ trợ kiến thức cho nông dân. Tại nhiều huyện, nông dân đã thuần thục cách quản lý sâu bệnh hại và hầu như không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng.

Một kinh nghiệm nữa trong quản lý sâu bệnh hại hiệu quả của Hà Nội là đã xây dựng được hệ thống “chân rết” cán bộ bảo vệ thực vật tới từng xã với khoảng 400 cán bộ tham mưu giúp việc UBND các cấp, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về trồng trọt, bảo vệ thực vật… Tất cả nhân viên trồng trọt bảo vệ thực vật cấp xã đều được đào tạo về quản lý dịch hại thực tế trên đồng ruộng. Nhờ bám sát đồng ruộng, khi phát hiện sâu bệnh hại ở giai đoạn mới, cán bộ cơ sở cùng nông dân kịp thời xử lý ngay nên dịch bệnh không bùng phát trên quy mô lớn.

Sơn Tùng