''Vùng xanh'' trong ý thức
Góc nhìn - Ngày đăng : 14:46, 06/08/2021
Để kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh lây lan, nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội, đã phải tiến hành giãn cách theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều biện pháp mạnh, kiên quyết đã và đang được các địa phương thực hiện. Không quản ngày đêm, nắng mưa, vất vả, khó khăn, các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch vẫn kiên cường bám "trận địa" để hạn chế tối đa nguy cơ lây lan cũng như hậu quả của dịch bệnh.
Thế nhưng, bên cạnh đại đa số người dân hiểu, chấp hành nghiêm thì vẫn có không ít người do ý thức kém, lối sống vị kỷ đã vi phạm các quy định phòng, chống dịch, thậm chí có những trường hợp còn tấn công, hành hung người thi hành công vụ. Cố tình ra đường đi tập thể dục, mua bán những hàng hóa không thiết yếu hay đơn giản là “làm vài vòng xe cho bớt tù túng" trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội không phải chuyện hiếm. Thậm chí mặc dù khu dân cư bị phong tỏa do có trường hợp nhiễm bệnh nhưng vẫn có người cố tình trèo tường, vượt hàng rào phong tỏa để đi ra ngoài làm việc riêng. Đó là những hành vi tiềm ẩn nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh rất cao và tất nhiên lập tức bị dư luận lên án gay gắt cũng như bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm.
Tuy nhiên, có một thực tế là cho dù đã rất nỗ lực, cố gắng nhưng các cơ quan chức năng vẫn khó có thể bố trí đủ lực lượng để căng mình gác chặn mọi lúc, mọi nơi. Rõ ràng, với điều kiện nhân lực, vật lực và nhất là cơ sở hạ tầng y tế hiện tại, sẽ khó có thể kiểm soát, ngăn chặn đại dịch hiệu quả nếu thiếu sự vào cuộc tích cực, ý thức vì mình, vì cộng đồng của mỗi người dân.
Trong bối cảnh đó, sáng kiến lập “Chốt bảo vệ vùng xanh" (vùng không có dịch) đã xuất hiện và lan tỏa rộng rãi ở nhiều địa phương. Các chốt này do "tổ Covid-19 cộng đồng" do chính quyền và người dân ở chính các khu dân cư lập nên, trực tiếp ứng trực để kiểm soát việc ra vào khu vực, tiếp nhận và bàn giao hàng hóa cho người dân..., đảm bảo an toàn phòng dịch cho khu vực mình sinh sống. Đây thực sự là bước chuyển mạnh mẽ về nhận thức trong cộng đồng.
Thay vì thụ động chờ đợi, người dân đã chủ động cùng các lực lượng chức năng bảo vệ an toàn cho khu vực dân cư nơi mình sinh sống. Không ai nắm chắc địa bàn bằng chính cư dân địa phương và đương nhiên với sự đồng thuận cao, việc kiểm soát lưu thông, đi lại cũng dễ dàng, hiệu quả hơn nhiều. Việc làm này không chỉ giúp mỗi khu dân cư, tổ dân phố thực sự trở thành một “pháo đài” chống dịch vững chắc mà còn "giảm tải" cho lực lượng chức năng.
Rõ ràng việc hình thành "vùng xanh” là hết sức có ý nghĩa, không chỉ mang lại hiệu quả chống dịch cao mà còn từng bước lan tỏa, tạo sự thay đổi về nhận thức chống dịch cho các cộng đồng dân cư khác. “Vùng xanh” ngày càng rộng mở, đồng nghĩa với những “vùng đỏ” (khu vực có nguy cơ lây lan dịch bệnh cao) sẽ dần bị thu hẹp, tiến tới xóa sổ.
Thành phố chỉ thực sự an toàn khi tất cả các khu vực dân cư đều là "vùng xanh" an toàn. Và để có được "vùng xanh" an toàn thì mỗi người dân sinh sống trong đó cần thiết lập cho mình một "vùng xanh" trong ý thức, đó là tự giác chấp hành các quy định phòng, chống dịch, tinh thần vì cộng đồng, đoàn kết, đồng hành, chia sẻ cùng các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch.