Sớm mở lại chợ đầu mối, sẵn sàng địa điểm để trung chuyển hàng hóa

Kinh tế - Ngày đăng : 16:43, 06/08/2021

(HNMO) - Trong tuần qua, một số chợ đầu mối và chợ có chức năng bán buôn hàng hóa phải đóng cửa để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch do có ca mắc Covid-19. Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, việc chợ đầu mối phải đóng cửa khiến nguồn cung có giảm nhưng không ảnh hưởng lớn đến lưu thông hàng hóa. Hà Nội sẽ sớm mở cửa trở lại các chợ đầu mối này vào tuần tới và sẵn sàng phương án xây dựng các điểm trung chuyển hàng hóa để chủ động cho mọi tình huống.

Rau xanh tại một số chợ tăng giá.

Vì sao giá rau xanh tại chợ tăng?

Ghi nhận tại một số chợ, như: Mộ Lao (quận Hà Đông), Gia Lâm (quận Long Biên), Thành Công (quận Ba Đình) cho thấy, các quầy hàng rau, củ, thịt, cá khá phong phú. Đáng chú ý, các quầy rau xanh có đủ chủng loại từ bí xanh, mướp hương tới rau muống, rau cải, cà chua, su su…

Tuy nhiên, giá các loại rau đều tăng từ vài nghìn tới 15.000 đồng. Cụ thể, mướp đắng có giá 15.000-20.000 đồng/kg, tăng 10.000-12.000 đồng/kg so với những ngày trước; khoai tây 25.000-30.000 đồng/kg, tăng 10.000-15.000 đồng/kg; rau muống 5.000-10.000 đồng/mớ, tăng 1.000-3.000 đồng/mớ; mướp hương 18.000-20.000 đồng/kg, tăng 6.000-8.000 đồng/kg…

Lý giải nguyên nhân này, hầu hết tiểu thương cho biết, giá rau, củ tăng là do các chợ đầu mối tạm đóng cửa, nguồn cung ít cùng với chi phí vận chuyển tăng… Bên cạnh đó, nhiều người buôn bán rau từ ngoại thành và các tỉnh lân cận nghỉ bán do hạn chế đi lại, nên nguồn cung ít hơn.

Trong khi rau xanh tại chợ tăng giá thì tại một số vùng chuyên canh rau ngoại thành Hà Nội lại xảy ra tình trạng ùn ứ, khó tiêu thụ. Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) chia sẻ, với diện tích rau an toàn lên tới 250ha, mỗi ngày xã Văn Đức cung ứng ra thị trường 40-50 tấn rau, củ các loại. Hiện nay, giao thương khó khăn, nên sức tiêu thụ rau tại địa phương sụt giảm mạnh.

Còn ở xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên, nơi có 40ha rau chuyên canh tập trung, cung cấp ra thị trường 4-5 tấn rau xanh/ngày, ông Tô Văn Phát cho biết: “Việc vận chuyển, tiêu thụ gặp khó khăn, giá có ngày chỉ còn 3.000 đồng/kg đối với một số loại rau ăn lá như rau cải, rau muống, rau dền…”.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, giá rau xanh tại các vùng sản xuất có sự chênh lệch đáng kể. Trong khi ở các vùng rau như Sơn Công (huyện Ứng Hòa), Cộng Hòa (huyện Quốc Oai)…, giá rau ăn lá 5.000-8.000 đồng/kg tùy loại, thì vùng rau như Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, giá rau ăn lá tại ruộng giảm sâu, chỉ còn 2.000-7.000 đồng/kg tùy loại.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, mỗi ngày Hà Nội có ít nhất 700ha rau màu các loại cho thu hoạch. Nhưng hiện mới chỉ có khoảng 15-20% nông sản, rau, củ, quả của Hà Nội tiêu thụ theo chuỗi ổn định, theo giá cam kết, còn lại tới hơn 80% qua thương lái. 

Về tình trạng tăng giá một số mặt hàng, đặc biệt là rau xanh, theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, một số tiểu thương có thể lợi dụng việc một số chợ đầu mối đóng cửa, tung tin khan hiếm nguồn cung để tăng giá.

“Chúng tôi khuyến cáo người dân khi đi mua sắm cần tham khảo giá đã được niêm yết tại hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện ích, để tránh bị ép giá. Chúng tôi sẽ phối hợp với Cục Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các chợ dân sinh, hệ thống phân phối hiện đại đang tham gia 8.200 điểm bán hàng bình ổn trên thị trường”, bà Lan nói.

Tuy nhiên, rõ ràng, việc thiếu chuỗi cung ứng bền vững đã dẫn tới nghịch lý giá rau tại chợ tăng, trong khi vùng trồng rau lại khó tiêu thụ.

Sản xuất rau xanh tại xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai.

Duy trì nguồn cung ổn định, sẵn sàng phương án bảo đảm lưu thông

Để giải quyết đầu ra cho cây rau, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Thị Sắc cho biết, UBND huyện đã yêu cầu các xã thống kê và hướng dẫn hộ kinh doanh, tiểu thương lớn trên địa bàn làm giấy đi đường để chở rau, củ, quả đến các chợ dân sinh tiêu thụ. UBND huyện cũng đã chỉ đạo các phòng, ban, xã, thị trấn thống kê nhu cầu hỗ trợ tiêu thụ của các hộ dân để điều tiết sản lượng rau cho các xã có nhu cầu trong huyện, không để xảy ra tình trạng nơi thừa, nơi thiếu rau. 

Tương tự, xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên đã tạo “luồng xanh” kết nối hộ sản xuất với doanh nghiệp thực hiện chuỗi cung ứng rau. Với diện tích rau, củ, quả đến thời điểm thu hoạch, xã đã đề nghị người dân thu hoạch khẩn trương, vận chuyển ra điểm tập kết được xã bố trí sẵn, sau đó bán cho các thương lái, doanh nghiệp.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin, Sở Công Thương đã phối hợp với các huyện lên danh sách các cơ sở cung ứng, kết nối với hệ thống siêu thị và tiểu thương để thu mua rau cho bà con nông dân ở các vùng trồng rau. Việc làm này cũng thúc đẩy quá trình chuyển từ việc tiêu thụ qua chợ đầu mối sang tiêu thụ qua hệ thống lưu thông hiện đại hơn, góp phần kết nối cung cầu một cách bền vững hơn. 

Đồng thời, lãnh đạo ngành Công Thương thành phố cũng cho biết, Sở Công Thương đang phối hợp với Sở Y tế xây dựng văn bản hướng dẫn để thực hiện một cách bài bản việc đóng mở các chợ truyền thống, chợ đầu mối, bảo đảm vừa phòng chống dịch, vừa ổn định lưu thông hàng hóa. Bà Trần Thị Phương Lan khẳng định : Sang tuần tới, các chợ đầu mối sẽ mở cửa trở lại. Sở Công Thương cũng đang phối hợp với Sở Nông nghiệp tìm kiếm các địa điểm trống để xây dựng điểm trung chuyển hàng hóa, vừa thực hiện giãn cách cho các chợ đầu mối, vừa sẵn sàng cho những tình huống dịch bệnh diễn biến bất thường. 

Bên cạnh những biện pháp trên, ngành Công Thương thành phố vẫn kiên trì phối hợp với các quận huyện, các doanh nghiệp, đơn vị phân phối ...để triển khai các biện pháp nhằm điều phối hàng hóa, giữ ổn định giá cả thị trường. Ngoài hệ thống chợ dân sinh, thành phố tổ chức các điểm bán hàng bình ổn, những cửa hàng bán hàng không thiết yếu được vận động chuyển địa điểm cho đơn vị bán hàng thiết yếu sử dụng trong thời gian giãn cách để cung ứng hàng hóa cho người dân. 100% quận, huyện đã mở các điểm bán để phục vụ nhân dân trong mùa dịch.  Bưu điện thành phố cũng tham gia 472 điểm cung cấp hàng thiết yếu tại các bưu cục, điểm bưu điện văn hóa xã. Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Pots) cũng cho biết sẽ triển khai 42 điểm bán hàng trên địa bàn. 

Hà Nội chủ động các nguồn cung để bảo đảm đầy đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân trong những ngày giãn cách sắp tới. Ngành Nông nghiệp đã cơ cấu vùng trồng đáp ứng nhu cầu rau xanh của người dân thành phố. Ngành Công Thương đã chủ động dự trữ nguồn hàng từ các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên chưa thực hiện giãn cách bên cạnh duy trì mối quan hệ giao thương truyền thống với 21 tỉnh, thành phố phía Bắc. "Không để hiện tượng thiếu hàng, người dân không mua được hàng hóa xảy ra trên địa bàn thành phố", bà Trần Thị Phương Lan khẳng định. 

Hiền - Thanh - Giang