Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Phạm Tiến Dũng: "Nhiếp ảnh là cuộc chơi của trí tuệ, kỹ năng và cảm xúc"
Văn hóa - Ngày đăng : 20:05, 07/08/2021
1. Tôi có nhiều dịp tiếp xúc với NSNA Phạm Tiến Dũng khi ông làm Trưởng Tiểu ban ảnh, Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng). Ông để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi bởi sự cẩn thận, chu đáo, tận tình và trách nhiệm với công việc. Có những hôm cần trao đổi nghiệp vụ về bức ảnh của một tác giả nào đó gửi đến, thay vì gọi điện thoại, ông đến cơ quan tôi để trò chuyện. Rồi tôi có dịp hiểu ông nhiều hơn khi là bạn Facebook của ông. Vào Facebook mới thấy người nghệ sĩ ở tuổi xấp xỉ 70 chẳng mấy khi chịu nghỉ ngơi. Ông vào Nghệ An rồi lên Mù Cang Chải tác nghiệp cứ như... chơi. Khi ở Hà Nội, ông cũng chẳng mấy khi ngồi nhà, lúc thì thấy chụp sen Hồ Tây, lúc lại chụp những phố cây Hà Nội.
Thường thì các NSNA ngại viết, nhưng khi đăng ảnh lên Facebook NSNA Phạm Tiến Dũng thường kèm theo mấy dòng rất thú vị, đậm chất văn chương mà phải quan sát rất kỹ, rất tinh tế mới nhận ra. Như có hôm ông đăng mấy bức ảnh sen cuối mùa đã tàn rồi viết: “Không còn vẻ đẹp rực rỡ như lúc đang nở rộ để bao nam thanh nữ tú tìm đến với áo, yếm đủ loại, nhưng lúc này sen mang một vẻ đẹp riêng, thâm trầm và đậm chất hội họa. Sen đang nghỉ ngơi, lặng lẽ ẩn mình để đến hè năm sau lại bừng lên khoe sắc cho đời”. Có hôm ông đăng bức ảnh chiếc lá sen đọng lại giọt nước màu hồng hình trái tim rồi viết: “... Ồ lạ nhỉ tất cả các giọt nước khác đều màu trắng chỉ có giọt nước hình trái tim màu hồng... Có lẽ nụ sen hồng đã mượn tia nắng sớm để chuyển tình cảm sang giọt nước trong veo khiến nó thành màu hồng, nên giọt nước mới có hình trái tim. Giọt nước này phải chăng là tình sen đọng lại”.
2. NSNA Phạm Tiến Dũng là một trong những sinh viên Việt Nam đầu tiên được Báo ảnh Việt Nam cử sang Liên Xô (cũ) học với mục đích xây dựng đội ngũ phóng viên ảnh bài bản. “Tôi phải cảm ơn lãnh đạo Báo ảnh Việt Nam khi ấy đã có cái nhìn rất xa khi cử lứa thanh niên chúng tôi đi học về ảnh báo chí ở nước ngoài. Và cũng may mắn khi học dự bị đại học, tôi được ở cùng mấy anh học nghề quay phim. Những lúc rảnh rỗi, mấy anh lại dạy tôi vài nét cơ bản về chụp ảnh. Vậy là sau khi tốt nghiệp dự bị đại học, tôi được chuyển qua khoa Báo chí của Đại học Tổng hợp quốc gia Mátxcơva mang tên Lomonosov. Khoa Báo chí có nhiều ngành nhưng vì đã làm quen với nhiếp ảnh nên tôi chọn nhiếp ảnh để học. Và từ đấy tôi theo đuổi nghề nhiếp ảnh báo chí”, ông chia sẻ.
Theo NSNA Phạm Tiến Dũng, muốn thành công trong lĩnh vực ảnh báo chí, nhà báo phải có tình yêu, lòng đam mê và sự lao động miệt mài, nghiêm túc. Ngoài ra, nhà báo cũng cần có năng khiếu, hiểu biết về nghệ thuật. Khi học ở Liên Xô, ông đã được học rất nhiều về nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật tạo hình, thơ ca, âm nhạc, điện ảnh... Nhờ nắm chắc kiến thức đã học cùng với quá trình thực tế, trải nghiệm mà trong các bức ảnh của Phạm Tiến Dũng, người xem không chỉ nhìn thấy hình ảnh của một phóng viên đầy xông xáo, nhiệt huyết, từng có mặt ở khắp các cung đường, trong các sự kiện mà còn thấy được sự chuyển mình của đất nước, sự phát triển của khoa học kỹ thuật cũng như phản ánh chân thực cuộc sống tại những nơi ông đặt chân đến.
Là bạn học cùng NSNA Phạm Tiến Dũng ở lớp ảnh của khoa Báo chí, Đại học Tổng hợp quốc gia Mátxcơva mang tên Lomonosov, nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh Vũ Huyến cho rằng: “Những bức ảnh của Phạm Tiến Dũng cũng như con người anh ấy vậy, luôn chân thành, nhiệt huyết, sâu sắc và có góc nhìn riêng biệt... Cái rõ nhất trong ảnh của anh sự chân thật. Anh cố gắng giữ được cái thật, phản ánh đằng sau của bức ảnh là những vấn đề chính trị, xã hội”.
3. Trong sự nghiệp, NSNA Phạm Tiến Dũng đã thực hiện hàng ngàn bộ ảnh, nhưng có lẽ bộ ảnh mang lại nhiều cảm xúc cho ông nhất và cũng được nhiều người biết đến nhất, đó là phóng sự ảnh “Chuyến bay vũ trụ đầu tiên”. Ông kể: “Đầu năm 1980, tôi được Thông tấn xã Việt Nam cử sang Mátxcơva làm nhiệm vụ hợp tác với Nhà xuất bản Progress của Nga để xuất bản Báo ảnh Việt Nam tiếng Nga. Cũng thời gian này, trong khuôn khổ chương trình Intercosmos, đến lượt phi công Việt Nam bay lên vũ trụ cùng với phi công Liên Xô, tôi được giao nhiệm vụ vào Trung tâm đào tạo phi công vũ trụ mang tên Gagarin ở thành phố Ngôi Sao để ghi lại toàn bộ quá trình tập luyện chuẩn bị cho chuyến bay vào vũ trụ của phi công Việt Nam”.
Được sống và trải nghiệm cùng các nhà du hành vũ trụ, ông đã lưu lại quá trình tập luyện đầy gian khổ của nhà du hành vũ trụ Viktor Gorbatko và Phạm Tuân bằng những bức ảnh chân thực, sinh động. Ông đã có những bức ảnh giúp người xem cảm nhận giữa họ ngoài công việc còn là sự gần gũi, thân thiết như hai người bạn. Dù chụp nhiều góc cạnh nhưng bao giờ khuôn mặt của họ cũng bộc lộ sự tự tin, bình đẳng và trách nhiệm. Ngoài ra, ông còn có những bức ảnh chụp đời sống riêng của họ với niềm vui khi hai gia đình gặp gỡ nhau, như bức ảnh vợ của nhà du hành vũ trụ Viktor Gorbatko ôm thân thiết con gái của Phạm Tuân cùng những hoạt động vui chơi thể dục thể thao. Đặc biệt, trong bộ ảnh này có bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi ấy là Phó Thủ tướng Chính phủ, đến thăm hỏi, động viên các nhà du hành vũ trụ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bộ ảnh còn có nhà ngoại giao Vũ Khoan (nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ), khi ấy là Bí thư Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô và Giáo sư, Viện sĩ Vật lý Nguyễn Văn Hiệu, người phụ trách tổ chức các thí nghiệm của Việt Nam sẽ thực hiện trên tàu vũ trụ.
Dành cả cuộc đời cho nhiếp ảnh, NSNA Phạm Tiến Dũng rất tâm đắc với câu nói của nhà thơ Tố Hữu: “Nhiếp ảnh là nghệ thuật của con mắt tinh đời”. Bởi theo lý giải của ông thì chỉ có “con mặt tinh đời” thì người phóng viên mới chớp được khoảnh khắc đắt giá, điển hình nhất của sự kiện, của tâm lý nhân vật, vẻ đẹp của thiên nhiên... để truyền cảm xúc đến với người xem. Cũng theo ông thì nhiếp ảnh không đơn thuần là một nghề, mà là cả một sự nghiệp mà người phóng viên luôn phải trăn trở, day dứt và học tập không ngừng. Có lẽ vì thế mà ở tuổi 68 nhưng ông vẫn có mặt ở nhiều nơi để lưu lại những khoảnh khắc như một món quà vô giá mà sự nghiệp nhiếp ảnh đã đem lại cho ông.
Nhà báo, NSNA Phạm Tiến Dũng (sinh năm 1953) tại Phú Thọ. Ông từng là phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam tại Liên Xô và Campuchia. Ông từng giữ chức Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo ảnh Việt Nam, Trưởng ban Biên tập ảnh Thông tấn xã Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh (Hội NSNA Việt Nam). Hơn 40 năm hoạt động trong lĩnh vực ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật, ông tham gia nhiều triển lãm ảnh ở trong và ngoài nước và giảng dạy về kỹ năng chụp ảnh báo chí nâng cao, ảnh báo chí cơ bản... tại Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam.