Bưu chính tham gia cung cấp dịch vụ thiết yếu: Nối liền chuỗi cung ứng hàng hóa

Kinh tế - Ngày đăng : 06:11, 07/08/2021

(HNM) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thành phố Hà Nội và nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, các doanh nghiệp bưu chính đã tận dụng lợi thế, nhanh chóng tham gia cung cấp nhiều dịch vụ thiết yếu đến người dân, góp phần duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa. Đáng chú ý, các doanh nghiệp bưu chính chú trọng ứng dụng công nghệ, bảo đảm an toàn cho cả người giao và người nhận hàng.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp bưu chính đã cung cấp nhiều dịch vụ thiết yếu đến người dân, góp phần duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa. Trong ảnh: Với đội ngũ bưu tá chuyên nghiệp, Bưu chính Viettel sẵn sàng giao hàng phục vụ người dân tại Hà Nội.

Cung cấp hàng thiết yếu, bình ổn giá

Chị Đặng Thị Soạn, nhân viên điểm bưu điện văn hóa Trung Văn, thuộc Bưu điện Trung tâm 4 (Bưu điện thành phố Hà Nội) cho biết, ngay trong ngày 24-7, thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, điểm bưu điện của chị triển khai bán hàng thiết yếu bình ổn giá qua mạng xã hội, đồng thời miễn phí giao hàng cho người mua ở phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm).

Còn anh Nghiêm Huy Ngọc Thạch (bưu tá của Viettel quận Ba Đình) thông tin, kể từ ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, lượng đơn hàng thực phẩm do bưu chính Viettel cung ứng tăng rõ rệt. "Chúng tôi tuân thủ nghiêm các giải pháp phòng dịch, giữ an toàn cho mình và cho khách hàng", anh Thạch nói.

Với lợi thế là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tới tận địa chỉ khách hàng, hai doanh nghiệp bưu chính lớn là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post - thuộc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội) đã triển khai các hoạt động thiết thực phục vụ người dân khu vực giãn cách xã hội. Theo đó, ngay trong ngày 24-7, Bưu điện thành phố Hà Nội đã triển khai 472 điểm bán hàng thiết yếu và bình ổn giá tại các bưu cục, điểm bưu điện văn hóa xã phục vụ người dân. Đồng thời, hàng hóa thiết yếu còn được cung ứng qua sàn thương mại điện tử, fanpage... Theo Phó Giám đốc Bưu điện thành phố Hà Nội Bùi Văn Hoàng, so với ngày đầu triển khai dịch vụ, lượng hàng hóa bán tại các điểm bình ổn tăng 15-20%.

Còn Phó Tổng Giám đốc Viettel Post Đinh Thanh Sơn cho biết, sau 1 tuần kể từ ngày 24-7, tại Hà Nội, lượng hàng hóa tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò tăng mạnh, trung bình 42 tấn/ngày. Tính chung, tổng sản lượng đạt 294 tấn, gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài ra, Viettel Post còn liên kết với hệ thống siêu thị để thực hiện dịch vụ giao hàng đến người tiêu dùng.

Theo chị Phạm Thu Hằng (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm), việc bưu điện mở điểm bán hàng thiết yếu đã tạo thuận lợi và mang lại sự tin tưởng về chất lượng, giá cả hàng hóa cho người dân. Còn chị Trương Mỹ Hoa (Khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai) tin tưởng: "Nhờ đội ngũ giao hàng của bưu chính, tôi đã yên tâm ở nhà đặt, nhận hàng; thực phẩm nhận được rất tươi, ngon, giao đúng giờ".

Người dân Hà Nội có thể đến 472 điểm bán hàng là các bưu cục, bưu điện văn hóa xã để mua hàng thiết yếu, bình ổn giá. Ảnh: Quốc Bảo

Sử dụng công nghệ bảo đảm an toàn

Trong bối cảnh dịch Covid-19, các doanh nghiệp bưu chính đã sử dụng giải pháp công nghệ để quản lý bưu tá, góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm dịch và đây là lợi thế của đội ngũ bưu tá so với các đơn vị giao hàng khác.

Theo lãnh đạo Viettel Post, trước khi vào ca làm việc, 100% bưu tá phải đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, khai báo y tế. Viettel Post còn có ứng dụng nội bộ hỗ trợ theo dõi quãng đường đi, lượt khách hàng tiếp xúc của bưu tá, giúp kiểm soát phạm vi hoạt động, cũng như phục vụ phòng, chống dịch.

Còn Vietnam Post xây dựng ứng dụng DingDong dành cho bưu tá và phần mềm điều tin PacknSend đồng bộ với hệ thống dữ liệu thông tin tập trung. Mọi trạng thái, thay đổi về khu vực hay tình hình phát hàng đều được cập nhật nhanh chóng, kịp thời theo thời gian thực.

Với ứng dụng thương mại điện tử, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Post Nguyễn Kiên Cường cho biết, nguồn nhân lực và mạng lưới trải rộng đến cấp xã, phường là ưu thế giúp Vietnam Post bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa cho nhân dân. Bên cạnh đó, sàn thương mại điện tử Postmart.vn, không chỉ là kênh mua sắm hiệu quả cho người dân mà còn là kênh hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân. Riêng tháng 7-2021 đã có 1.500 hộ sản xuất nông nghiệp trở thành nhà cung cấp hàng trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn.

Tương tự, theo Phó Tổng Giám đốc Viettel Post Đinh Thanh Sơn, sàn thương mại điện tử Vỏ Sò là sản phẩm chiến lược để Viettel Post có thể khép kín hệ sinh thái với khách hàng là trung tâm. Nhiều tính năng, tiện ích mới đang được nghiên cứu phát triển trên ứng dụng Vỏ Sò, như “bản đồ đặc sản”, gian hàng dành cho khách hàng ở nước ngoài truy cập và thanh toán dễ dàng hơn... Ngoài phát triển nền tảng số, Viettel Post sẽ mở thêm các điểm bán tại bưu cục các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội.

Có thể thấy, ngoài nhiệm vụ duy trì mạng bưu chính công cộng, như chuyển phát thư báo, dịch vụ hành chính công, trả lương và trợ cấp xã hội (Vietnam Post); vận chuyển hàng hóa (Viettel Post), các doanh nghiệp bưu chính đã tích cực cung ứng các dịch vụ thiết yếu, bình ổn giá để phục vụ khách hàng. Việc xoay chuyển kịp thời, linh hoạt phù hợp với tình hình thực tiễn đã góp phần duy trì vận chuyển hàng hóa thiết yếu tới các vùng có dịch, góp phần hạn chế nguy cơ xảy ra đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, ổn định cuộc sống cho người dân.

Tính đến hết ngày 3-8, tại các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội, Bưu điện Việt Nam đã triển khai 3.407 điểm cung cấp hàng hóa thiết yếu, bình ổn giá. Tổng khối lượng hàng được cung cấp đạt gần 7.100 tấn. Trong khi đó, Viettel Post cũng đã vận chuyển tiêu thụ 1.591 tấn hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân, cung ứng qua các điểm bưu cục và sàn thương mại điện tử Vỏ Sò.

Việt Nga