Bác sĩ tại nhà: Các dấu hiệu của sỏi thận
Sức khỏe - Ngày đăng : 05:30, 08/08/2021
(huyện Thanh Oai, Hà Nội)
Đáp: Sỏi thận được hình thành khi lượng nước tiểu giảm và nồng độ chất khoáng trong thận tăng cao. Khi có một trong hai hoặc cả hai hiện tượng trên kéo dài trong nhiều ngày là có nguy cơ hình thành sỏi thận. Dấu hiệu của sỏi thận nổi bật là đau lưng, đau vùng mạn sườn dưới; đau khi đi tiểu; tiểu ra máu; tiểu dắt, tiểu són; cảm giác buồn nôn và nôn; hay sốt và cảm giác ớn lạnh.
Bệnh sỏi thận có diễn biến âm thầm và biểu hiện bệnh cũng rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Do vậy, khi có dấu hiệu nghi ngờ chị nên tới cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Sỏi thận có kích thước nhỏ có thể được tống ra ngoài khi đi tiểu. Tuy nhiên, những viên sỏi lớn khi di chuyển trong thận, niệu quản, bàng quang gây cọ xát dẫn tới tổn thương, thậm chí làm tắc đường dẫn nước tiểu, gây hậu quả khôn lường.
Khi bị sỏi thận, người dân tuyệt đối không sử dụng thực phẩm chức năng với suy nghĩ sẽ tiêu được sỏi, như thế sẽ làm chậm quá trình điều trị bệnh.
Để phòng ngừa biến chứng suy thận, chị cần kiểm soát nồng độ đường và cholesterol trong máu; hạn chế các thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, cholesterol; tập thể dục hằng ngày, duy trì cân nặng lý tưởng. Chị cũng cần thay đổi chế độ ăn uống, uống đủ 1,5 - 2 lít nước/ngày, uống nhiều hơn trong những ngày nóng hoặc vận động nhiều; thực hiện chế độ ăn giảm muối.
Bác sĩ Hoàng Nam Phong
Phó Trưởng khoa Kiểm tra sức khỏe, Bệnh viện E