Thành phố Hồ Chí Minh: Tăng cường tiêm vắc xin và chống tin giả về dịch Covid-19
Đời sống - Ngày đăng : 13:53, 08/08/2021
Đã có 3,2 triệu người được tiêm vắc xin
Trưa 8-8, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh Từ Lương cho biết, tính đến nay, thành phố Hồ Chí Minh đã có 3,2 triệu người được tiêm mũi 1 vắc xin phòng dịch Covid-19. Tốc độ tiêm của đợt thứ 6 tăng nhanh, đơn cử như ngày 7-8, đã tiêm được cho 262.471 người.
“Với tốc độ tiêm khá cao này, thành phố tiếp tục đề nghị Bộ Y tế cấp thêm vắc xin để sớm đạt độ phủ 75% dân số trong tổng số 12 triệu người đang sinh sống tại thành phố”, ông Từ Lương chia sẻ.
Đáng chú ý là trong đợt tiêm vắc xin vừa qua, số ca có phản ứng sau tiêm không cao. Ví dụ, ngày 7-8, trong hơn 262.000 người được tiêm, có 398 người phản ứng nhẹ trong vòng 30 phút sau tiêm, nhưng tất cả đều an toàn. Hiện, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức tiếp tục triển khai kế hoạch tiêm tùy thuộc vào thực tế từng phường, xã. Có nơi ưu tiên tiêm cho người trên 65 tuổi, người có bệnh nền, công nhân trong khu công nghiệp trước. Có nơi tiêm đại trà cho tất cả người dân từ 18 tuổi trở lên đang có mặt trên địa bàn, nhằm sớm tạo miễn dịch cộng đồng. Theo tính toán, thành phố Hồ Chí Minh cần đạt mức 7,5 triệu người được tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19.
Tuy nhiên, theo bản tin của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hồ Chí Minh ngày 8-8, số vắc xin phòng dịch Covid-19 mà thành phố nhận từ Bộ Y tế từ ngày 22-7 đến nay là 2.595.490 liều. Thành phố đã tiêm được cho 2.108.186 người.
“Với tốc độ tiêm 260.000 liều/ngày như hiện tại, dự kiến đến hết ngày 9-8, thành phố Hồ Chí Minh sẽ lại đối diện với tình hình khan hiếm vắc xin diện rộng như vừa qua, nếu Bộ Y tế không kịp thời phân bổ tiếp vắc xin cho thành phố”, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh Từ Lương cho biết
Cuộc chiến chống tin giả
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương, nhiều thông tin giả xuất hiện trên mạng xã hội, nhiều cuộc gọi báo tin giả đến các tổng đài hỗ trợ người dân đã gây nhiều bức xúc trong dư luận và gây ảnh hưởng đến công việc chuyên môn của các cơ quan chức năng.
Trước đó, tối 7-8, trên mạng xã hội xuất hiện nội dung chia sẻ của một người tên Trần Khoa, được cho là bác sĩ sản phụ khoa. Người này đã quyết định "nhường đi chiếc máy thở" của ba mẹ mình đang dùng cho một sản phụ đang cần. Người này sau đó đã "kìm nỗi đau mất người thân, trực tiếp vào phòng mổ phẫu thuật thành công cho sản phụ sinh đôi này". Kèm với nội dung còn có hình ảnh 2 bé song sinh được cho là 2 bé mà bác sĩ này vừa phẫu thuật.
Sau khi đăng tải, bài viết đã được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Liên quan đến thông tin này, Sở Y tế cho biết, thông tin lan truyền ở trên là hư cấu, tại các bệnh viện của thành phố không có việc rút ống thở để nhường cho bệnh nhân. Sở Y tế đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh làm rõ nguồn gốc bài đăng này để xử lý theo quy định của pháp luật.
Còn tại Bình Dương, tối 7-8, tổng đài 1022 nhận được tin báo khẩn cấp từ một người đàn ông báo “vợ sắp đẻ, cần cấp cứu gấp”. Lực lượng chức năng đã nhanh chóng định vị nơi báo tin, cử xe cấp cứu đến hỗ trợ. Tuy nhiên, khi đến nơi, địa chỉ là bãi đất trống. Gọi lại số điện thoại báo máy tắt , cơ quan chức năng đang truy tìm người đàn ông này.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng cho biết, có 1% cuộc gọi đến tổng đài cấp cứu 115 là cuộc gọi gây rối; khoảng 6-35% cuộc gọi đến tổng đài hỗ trợ 1022 cung cấp thông tin không đủ dữ liệu, điều kiện để xử lý.
“Việc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh cho ra mắt cổng thông tin Covid-19 tại địa chỉ https://covid19.hochiminhcity.gov.vn cũng nhằm góp phần cung cấp thông tin chính xác về các mặt của tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, góp phần đẩy lùi các thông tin giả lan truyền trên mạng trong thời gian qua”, ông Lâm Đình Thắng nói.
Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương Lê Văn Khánh, thời gian qua, Thanh tra Sở đã tiến hành xác minh và xử lý 25 cá nhân sử dụng mạng xã hội Facebook, Youtube để đăng tải, chia sẻ, bình luận các bài viết có nội dung sai sự thật. Sở cũng phối hợp với các cơ quan của tỉnh tăng cường quy chế người phát ngôn của sở, ngành, địa phương để sớm đưa thông tin chính thống đến với người dân.