Thành phố Hồ Chí Minh: Nâng hiệu quả xử lý nước thải đô thị
Công nghệ - Ngày đăng : 07:17, 09/08/2021
Chỉ khoảng 10% lượng nước thải được xử lý
Ghi nhận của phóng viên tại rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh), dòng nước đen ngòm, nhiều đoạn bị tắc nghẽn bởi những đống rác dưới lòng rạch. Nhiều năm nay, người dân dọc con rạch phải sống trong ô nhiễm. “Hằng ngày, dòng nước đen kịt bốc mùi xú uế và xuất hiện rất nhiều chuột, bọ. Mong thành phố sớm có giải pháp xử lý để người dân bớt khổ”, bà Nguyễn Thị Nga (ngụ phường 24, quận Bình Thạnh) mong mỏi.
Tương tự, hàng chục năm nay, người dân sống ở hai bên dòng kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên thuộc địa bàn các quận: 12, Tân Phú, Bình Tân, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh, cũng chịu cảnh ô nhiễm. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, cơ sở hạ tầng chưa theo kịp, tác động của biến đổi khí hậu, khiến lượng nước thải tăng ngày càng cao. Hiện công suất các nhà máy xử lý nước thải tập trung chưa đáp ứng yêu cầu, trong khi, công tác kêu gọi xây dựng các nhà máy gặp nhiều trở ngại.
Hiện thành phố Hồ Chí Minh có 3 nhà máy xử lý nước thải tập trung gồm: Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (giai đoạn 1), công suất 141.000m3/ngày; Bình Hưng Hòa, công suất 46.000m3/ngày và Tham Lương - Bến Cát đang đưa vào vận hành xử lý khoảng 10.000-15.000m3/ngày trong tổng công suất giai đoạn 1 là 131.000m3/ngày. Ngoài ra, các trạm xử lý nước thải phi tập trung đang vận hành hiệu quả như: Tân Quy Đông (quận 7), công suất 500m3/ngày; khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), công suất 3.700m3/ngày; khu tái định cư phường Bình Khánh (thành phố Thủ Đức), công suất 3.000m3/ ngày… Tuy nhiên, với hơn 3 triệu mét khối nước thải sinh hoạt đô thị thải ra mỗi ngày, thì số được thu gom và xử lý tập trung mới chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 10%.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng 12 nhà máy
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Nguyễn Toàn Thắng, thành phố đang tiếp tục đầu tư hoàn thiện một số công trình thu gom và xử lý nước thải gồm: Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát, công suất 131.000m3/ngày; Bình Hưng (giai đoạn 2), công suất 470.000m3/ ngày; Nhiêu Lộc - Thị Nghè, công suất 480.000m3/ngày. Khi vận hành sẽ nâng tỷ lệ xử lý nước thải toàn thành phố đạt 45% mỗi ngày, tương đương gần 1,4 triệu mét khối. Còn Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình giao thông thành phố Lương Minh Phúc cho hay, giữa năm 2022, dự án cải thiện môi trường nước, lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ sẽ hoàn thành toàn bộ gói thầu giai đoạn 2, còn giai đoạn 3 chuẩn bị đầu tư. “Dự án sẽ xây dựng nhà máy xử lý nước thải cho lưu vực Nam Sài Gòn, công suất giai đoạn 1 là 100.000m3/ngày, giai đoạn 2 là 170.000m3/ngày. Sau khi hoàn thành, toàn bộ nước thải sinh hoạt của khu vực này được thu gom, xử lý trước khi xả ra môi trường”, ông Lương Minh Phúc cho biết.
Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thông tin, từ nay đến năm 2025, thành phố kêu gọi đầu tư xây dựng 12 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị nhằm đáp ứng công suất xử lý hơn 3 triệu mét khối nước thải/ngày, tương đương 80% lượng nước thải thu gom và xử lý trên địa bàn. Trước mắt, thành phố đang kêu gọi nguồn vốn hợp tác phát triển chính thức (ODA) và các nhà đầu tư thực hiện dự án Nhà máy xử lý nước thải Tây Sài Gòn, công suất 150.000m3/ngày; Bắc Sài Gòn 1, công suất 170.000m3/ngày; nâng cấp, mở rộng nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa, công suất 180.000m3/ngày.
Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng) Vũ Văn Điệp cho hay, các sở, ngành thành phố đã và đang khẩn trương rà soát quỹ đất, cắm mốc giới các vị trí dự kiến xây dựng nhà máy xử lý nước thải theo quy hoạch. Đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư để thúc đẩy quá trình thực hiện.
Trong bối cảnh ngân sách thành phố hạn hẹp, thành phố đã tích cực kêu gọi nguồn vốn ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); đẩy mạnh việc xã hội hóa đầu tư các công trình thoát nước và xử lý nước thải, mời gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và thực hiện việc thu phí nước thải, tạo thêm nguồn vốn để xây dựng hạ tầng liên quan. UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng giao Sở Xây dựng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà máy xử lý nước thải thời gian tới.