Đẩy mạnh đấu tranh hoạt động mại dâm
Đời sống - Ngày đăng : 07:08, 10/08/2021
Còn nhiều thách thức
Đầu tháng 7-2021, Công an quận Hà Đông tổ chức truy quét, xử lý 14 phụ nữ tụ tập ở khu vực đường 72, thuộc phường Dương Nội (quận Hà Đông), giáp ranh với phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) do nghi hoạt động mại dâm. Trước đó, vào tháng 6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Thanh Xuân đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam Lê Văn Sơn, trú tại xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc về hành vi “Môi giới mại dâm”. Thông qua điều tra, lực lượng chức năng phát hiện “tú ông” này sử dụng mạng xã hội Facebook để môi giới mại dâm và hưởng lợi từ các vụ môi giới, trao đổi, trong đó có những vụ việc xảy ra tại quận Thanh Xuân.
Vào tháng 5-2021, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cũng phát hiện một đối tượng môi giới mại dâm qua mạng xã hội. Khi môi giới thành công, những đối tượng liên quan thường sử dụng các căn hộ chung cư để hoạt động. Căn cứ tài liệu thu thập được, ngày 7-5, Phòng 4, Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với các đơn vị thuộc Công an thành phố Hà Nội kiểm tra hành chính một căn hộ chung cư trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, phát hiện một số trường hợp vi phạm...
Từ những dẫn chứng nêu trên càng thấy rõ hơn, hoạt động mại dâm trên địa bàn Hà Nội tuy đã được kiềm chế, song diễn biến ngày càng tinh vi. Trong khi đó, thành phố Hà Nội là địa bàn giáp ranh với nhiều tỉnh, cũng là nơi tập trung không ít cơ sở kinh doanh dễ phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn mại dâm, nên việc đấu tranh đẩy lùi hoạt động mại dâm còn nhiều gian nan, thách thức.
Tăng cường kiểm tra, từng bước hoàn thiện chính sách
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mại dâm, các cơ quan chức năng từ thành phố tới cơ sở liên tục tiến hành kiểm tra, rà soát, triệt xóa các điểm, tụ điểm mại dâm, các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, từ đầu năm 2021 đến nay, Đội Kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm (Đội liên ngành 178) các cấp đã kiểm tra gần 2.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội, qua đó phát hiện, xử lý vi phạm hơn 100 cơ sở. Lực lượng công an các cấp đã phát hiện, đấu tranh, triệt phá nhiều vụ liên quan đến hoạt động mại dâm...
Cùng với việc kiểm tra, xử lý vi phạm, nhằm hạn chế phát sinh hoạt động mại dâm, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội duy trì triển khai “Mô hình hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội” tại phường Ngọc Khánh và phường Cống Vị (quận Ba Đình); phường Yên Hòa và phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy).
Theo đó, chính quyền các địa phương đã, đang phát huy tốt hơn vai trò lãnh đạo, kiểm tra, giám sát về việc thực hiện các quy định của pháp luật, bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ cũng như người lao động làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ.
Thông qua mô hình này, Hà Nội có hơn 100 người là đại diện cơ sở kinh doanh dịch vụ được tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật; gần 500 người làm việc trong cơ sở kinh doanh dịch vụ được cung cấp thông tin, kiến thức về các quyền của người lao động, được đào tạo, tập huấn về công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Tại quận Hoàng Mai, các cơ quan chức năng duy trì hoạt động của mô hình “Hỗ trợ tăng cường năng lực của nhóm tự lực giúp đỡ người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới” và “Cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng”. Nhờ đó, hàng trăm lượt người bán dâm được cung cấp các kiến thức về chăm sóc sức khỏe, tư vấn, học nghề để thay đổi nghề nghiệp, tạo cơ hội cho họ hòa nhập cộng đồng bền vững...
Đặc biệt, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an… tăng cường phối hợp liên ngành để phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn thành phố.
Ngoài các giải pháp đã, đang triển khai, dưới góc độ quản lý, ông Phùng Quang Thức, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) cho rằng, một số quy định liên quan đến công tác phòng, chống mại dâm hiện hành không còn phù hợp với thực tiễn, mức xử lý vi phạm hành chính còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Vì thế, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành chính sách, pháp luật về công tác phòng, chống mại dâm cho phù hợp với giai đoạn hiện nay.
Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Trần Ngọc Túy cho biết, Cục đang rà soát, đánh giá và đề xuất hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm; đề xuất xây dựng dự án Luật Phòng, chống mại dâm; hoàn thiện để Bộ Lao động - Thương và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025...
Từ đầu năm 2021 đến nay, Đội Kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm (Đội liên ngành 178) các cấp của thành phố Hà Nội đã kiểm tra gần 2.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự đang hoạt động trên địa bàn thành phố, qua đó phát hiện, xử lý vi phạm hơn 100 cơ sở. Lực lượng công an các cấp đã phát hiện, đấu tranh, triệt phá nhiều vụ liên quan đến hoạt động mại dâm...