Chủ động nhiều giải pháp
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:08, 11/08/2021
Chủ động ứng phó với dịch bệnh, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã nhanh chóng rà soát, điều chỉnh cơ cấu sản xuất theo tín hiệu thị trường, bảo đảm tự cung, tự cấp ở mức cao nhất; đồng thời tăng cường kết nối với đầu mối cung cấp ở các tỉnh, thành phố bảo đảm cung ứng sản phẩm nông nghiệp cho thị trường Thủ đô. Nhìn chung, thời điểm hiện tại sản xuất nông nghiệp vẫn duy trì ổn định. Tuy một vài nơi lưu thông hàng hóa có hiện tượng đứt gãy, giá nông sản có biến động nhưng không khan hiếm nguồn cung, không có biểu hiện “găm” hàng, “sốt” giá.
Thời gian tới, dự báo dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, không chỉ tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới lưu thông, phân phối sản phẩm và nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Mặt khác, nhiều loại nông sản sẽ vào vụ thu hoạch, nguy cơ dư thừa cục bộ có thể xảy ra… Những khó khăn, thách thức này đòi hỏi ngành Nông nghiệp Hà Nội cùng các cơ quan chức năng và địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã… phải chủ động, linh hoạt hơn nữa trong tổ chức sản xuất, đặc biệt là trong việc liên kết, kết nối tiêu thụ nông sản… qua đó, ổn định thị trường lương thực, thực phẩm, bảo đảm đời sống cho người nông dân.
Trước mắt, để thúc đẩy sản xuất gắn với nhu cầu và khả năng tiêu thụ của thị trường, Sở NN&PTNT Hà Nội chỉ đạo các địa phương điều chỉnh kế hoạch sản xuất, hướng dẫn nông dân các vùng sản xuất rau luân canh, gối vụ; tăng diện tích trồng rau ngắn ngày; mở rộng sản xuất rau trái vụ. Mặt khác, yêu cầu các địa phương tập trung kiểm soát dịch bệnh; chuẩn bị con giống, vật tư, tăng đàn vật nuôi và tạo cơ chế cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm… bảo đảm nguồn cung nông sản cho người tiêu dùng Thủ đô.
Cùng với việc ổn định các đầu mối liên kết, bảo đảm nguồn cung nông sản, các cơ quan chức năng của thành phố và địa phương cần linh hoạt triển khai các giải pháp không để gián đoạn phân phối, lưu thông như: Thiết lập các điểm, các vùng đệm để tập kết hàng hóa; hình thành những “vùng xanh”, “luồng xanh” cho nông sản; xây dựng kịch bản tiêu thụ các loại nông sản có thời gian bảo quản ngắn, vào vụ thu hoạch… Cùng với đó là tăng cường kết nối với các doanh nghiệp có ứng dụng giao hàng chuyên nghiệp, triển khai đa dạng các phương thức như bán hàng đồng giá, bán hàng đăng ký trước… và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, chuỗi liên kết tham gia các sàn thương mại điện tử để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Mặt khác, để giảm áp lực cho doanh nghiệp, hợp các xã và các hộ nông dân trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường, ngành Nông nghiệp cần tham mưu cho các cơ quan chức năng xem xét việc miễn giảm lãi suất cho vay, cho vay mới; giãn, hoãn nộp một số khoản thuế, phí… không để người sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp rơi vào nợ xấu; đồng thời có chính sách phục hồi, hỗ trợ thị trường tiêu thụ trong nước.
Chủ động các giải pháp từ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tới hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân khắc phục khó khăn, thúc đẩy sản xuất theo nhu cầu thị trường…, chắc chắn ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ hoàn thành mục tiêu phòng, chống dịch bệnh và bảo đảm tăng trưởng.