Thành phố Hồ Chí Minh: Phát hiện nhiều vụ kinh doanh trang thiết bị y tế bất hợp pháp

Kinh tế - Ngày đăng : 13:12, 12/08/2021

(HNMO) - Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh còn diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng đã lợi dụng nhu cầu cấp thiết của người dân để kinh doanh bất hợp pháp các mặt hàng trang thiết bị y tế, dược phẩm… Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh đã tăng cường công tác quản lý địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm.

Mặt hàng khẩu trang 3M 1860 và bộ kit xét nghiệm nhanh Covid-19 tại Công ty TNHH Quốc tế Phùng Anh.

Nhiều vụ vi phạm

Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2021 đến nay, đã kiểm tra 1.684 vụ, giảm 411 vụ (giảm 19,6%) so với cùng kỳ năm trước. Tổng số tiền thu nộp ngân sách hơn 30 tỷ đồng (tăng 9,11% so với cùng kỳ năm trước). Trị giá hàng hóa tiêu hủy hơn 24 tỷ đồng, tăng 30,53% so với cùng kỳ năm trước. Trị giá hàng tịch thu chờ bán khoảng 81 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa chờ tiêu hủy khoảng 18,7 tỷ đồng. Chuyển cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khởi tố vụ án hình sự là 15 vụ (trong đó, 3 vụ hàng cấm, 6 vụ hàng giả, 6 vụ hàng lậu) trị giá gần 5,5 tỷ đồng, số vụ đang xem xét là 15 vụ.

Về công tác phối hợp phòng, chống dịch Covid-19 từ ngày 31-1-2020 đến đầu tháng 8-2021, Cục Quản lý thị trường đã tiếp nhận 236 thông tin phản ánh, tố giác vi phạm trong lĩnh vực giá, sản xuất, mua bán khẩu trang, nước khử khuẩn giả, kém chất lượng qua đường dây nóng của Tổng cục Quản lý thị trường và Cục Quản lý thị trường.

Qua đó, đã kiểm tra 197 vụ; tạm giữ: 11.763.118 khẩu trang các loại, 12.000 khẩu trang bán thành phẩm và 11.499kg găng tay cao su, nhiều dụng cụ, bao bì sản xuất khẩu trang; 10.530 sản phẩm nước rửa tay, xịt kháng khuẩn các loại. Đã xử lý 188 vụ, phạt hành chính với tổng số tiền là gần 3,2 tỷ đồng; tang vật vi phạm được xử lý theo quy định của pháp luật.

Điển hình, ngày 4-8-2021, Đội Quản lý thị trường số 16 (Cục Quản lý thị trường thành phố) phối hợp UBND phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, kiểm tra đối với Công ty TNHH Quốc tế Phùng Anh kinh doanh khẩu trang y tế; bộ xét nghiệm nhanh Covid-19, chụp thở ô xy có nguồn gốc sản xuất từ nước ngoài nhưng chưa chứng minh nguồn gốc nhập khẩu. Đội tạm giữ để làm rõ gồm: 2.280 khẩu trang 3M 1860; 3.325 bộ kít xét nghiệm nhanh Covid-19: Humasis Covid-19 Ag Test và 3.000 chiếc Mask thở oxy.

Đặc biệt, ngày 10-8-2021, Đội Quản lý thị trường số 3 (Cục Quản lý thị trường thành phố) phối hợp với Đội 6, Phòng Kinh tế Công an thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra điểm chứa và kinh doanh hàng hóa tại địa chỉ số 314/48/16 tỉnh lộ 10, khu phố 14, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân do ông Nguyễn Ngọc Bảo làm chủ. Tại đây đang trữ 9 thùng thuốc tân dược không rõ tình trạng chất lượng, chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ.

Qua kiểm đếm thực tế, số tân dược tạm giữ khoảng 64.800 viên thuốc Liên Hoa Thanh Ôn không có số đăng ký lưu hành, do Trung Quốc sản xuất, được trình bày là có tác dụng giảm sốt, ho, cảm cúm…, được ông Bảo mua trôi nổi tại thị trường trong nước, không rõ họ tên đầy đủ và địa chỉ của người bán. Toàn bộ số hàng hóa trên được ông Bảo mua về để kinh doanh kiếm lời, chưa bán được sản phẩm thì bị kiểm tra và tạm giữ toàn bộ hàng hóa. Tổng sản phẩm, số hàng hóa vi phạm có trị giá gần 200 triệu đồng.

Lực lượng quản lý thị trường thành phố Hồ Chí minh phát hiện gần 65.000 viên thuốc trị cảm, sốt để kinh doanh kiếm lời.

Tăng cường phối hợp xử lý

Để ngăn chặn, xử lý tình trạng trên, ông Trương Văn Ba, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thời gian tới, ngành Quản lý thị trường thành phố đẩy mạnh công tác xây dựng lực lượng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng, các sở, ban, ngành, UBND thành phố Thủ Đức và quận, huyện trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại.

Cục Quản lý thị trường thành phố phối hợp với Cục Thuế thành phố trong trao đổi thông tin, tăng cường phối hợp kiểm tra chống thất thu thuế, gian lận và không kê khai nộp thuế đối với tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trong thương mại điện tử, trên các trang mạng xã hội; phối hợp với Cục Quản lý thị trường các tỉnh phía Nam và giáp ranh trong công tác đấu tranh chống vận chuyển hàng nhập lậu, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại.

Đặc biệt là tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật để doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân không tham gia, không tiếp tay buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng hóa kém chất lượng; phát hiện, tố giác cho các cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý những hành vi phạm pháp.

Ngày 12-8, Thiếu tá Nguyễn Quốc Tuấn, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự Công an quận 12, thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Tổ công tác chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn lần đầu tiên phát hiện một công ty đã ký, đóng dấu khống các “Giấy xác nhận đi lại do yêu cầu công việc” sai quy định.

Cụ thể, khoảng 7h40 ngày 12-8, Tổ công tác chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tại khu vực cầu Trường Đai, phường Thới An, quận 12, đã dừng phương tiện, kiểm soát một nam thanh niên điều khiển xe mô tô 60L9-23… tên Phạm Minh K (sinh năm 1991, thường trú huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long). 

Trong quá trình kiểm soát, Tổ công tác phát hiện trong cốp xe mô tô có 7 tờ “Giấy xác nhận đi lại do yêu cầu công việc” có đóng dấu tròn và chữ ký của đại diện Công ty TNHH Thực phẩm N.G, địa chỉ ở đường Lê Đức Thọ, phường 13, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh, nhưng để trống nhiều mục, không có thông tin của người được xác nhận.

Qua làm việc, anh K khai nhận là nhân viên giao hàng của Công ty TNHH Thực phẩm N.G và thực hiện yêu cầu của cấp trên đi giao các tờ “Giấy xác nhận đi lại do yêu cầu công việc” cho một số khách hàng quen của công ty để họ tự điền thông tin cá nhân vào và sử dụng đi qua các chốt kiểm soát phòng dịch.

Tổ công tác lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông K về hành vi “Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế”, quy định tại Nghị định 117/NĐ-CP, đồng thời thu giữ 7 giấy xác nhận “khống” nêu trên.

Như vậy, việc Công ty TNHH Thực phẩm N.G ký, đóng dấu “khống” các “Giấy xác nhận đi lại do yêu cầu công việc” như trên là không đúng quy định, dẫn đến tình trạng nhiều người không thuộc các nhóm đối tượng được phép hoạt động trong thời gian giãn cách nhưng vẫn có “Giấy xác nhận” để xuất trình khi lưu thông qua các chốt kiểm soát.  

Thiếu tá Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, đội đã báo cáo Ban Chỉ huy Công an quận 12, thành phố Hồ Chí Minh để kiến nghị cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp đang được phép hoạt động, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các hành vi phạm pháp.

Thanh Tàu