Việt Nam cần 28-30 triệu tấn/năm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong 5 năm tới

Nông nghiệp - Ngày đăng : 14:45, 12/08/2021

(HNMO) - Ngày 12-8, Văn phòng Nông nghiệp, Đại sứ quán Hoa Kỳ (USDA) và Tổ chức CropLife châu Á (CLA) đồng phối hợp với Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề "Tìm giải pháp bổ sung nguồn cung cấp nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam".

 Chăn nuôi gà Mía ở xã Cổ Đông (thị xã Sơn Tây).

Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh nhu cầu về nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TACN) tại Việt Nam ngày càng tăng; đồng thời, ngành chăn nuôi đang phải đối mặt với nhiều thách thức do sự bùng phát của đại dịch Covid-19. 

Phát biểu mở đầu hội thảo, bà Sarah Gilleski, Quyền Tham tán Nông nghiệp tại Đại sứ quán Hoa Kỳ cho biết, hội thảo tập trung chia sẻ thông tin về nhu cầu, nguồn cung ứng các loại nguyên liệu TACN thiết yếu; dự báo thị trường nguyên liệu TACN và giới thiệu về ứng dụng công nghệ sinh học trong việc sản xuất nguyên liệu TACN chất lượng cao; giới thiệu lợi ích và thách thức trong ứng dụng cây trồng công nghệ sinh học như công cụ và cách tiếp cận đổi mới để tăng năng suất cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân, bổ sung nguồn cung cấp TACN cho thị trường trong nước.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam đánh giá, trong 10 năm gần đây, ngành chăn nuôi Việt Nam đã đạt được sự tăng trưởng rất ấn tượng, bình quân 5-6%/năm. Trong đó, ngành gia cầm có sự tăng trưởng nhanh nhất, đạt bình quân 7-8%/năm về đầu con và 11-12% về sản lượng thịt, trứng.

Cùng với sự tăng trưởng của ngành chăn nuôi, ngành sản xuất thức ăn công nghiệp ở Việt Nam cũng đã tăng trưởng, đạt bình quân 13-15%/năm. Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 10 thế giới và số 1 khu vực Đông Nam Á về sản lượng TACN công nghiệp.

Tuy nhiên, ngành TACN công nghiệp nước ta vẫn phải phụ thuộc rất lớn nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nguyên liệu TACN trong nước chủ yếu từ nguồn nhập khẩu, năm 2020, giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc tăng 3,75%. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ tăng 36,6% (sơ bộ) so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân chính do nguồn cung nguyên liệu trên thế giới giảm, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến sản lượng ngũ cốc chính của một số quốc gia sụt giảm; các tác động của đại dịch Covid-19 khiến chi phí vận chuyển tăng, cộng thêm nguồn cung trong nước còn hạn chế.

Theo dự báo của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, nhu cầu nguyên liệu TACN của Việt Nam sẽ cần khoảng 28-30 triệu tấn/năm trong 5 năm tới, trị giá 12-13 tỷ USD với mức tăng trưởng trung bình 11-12%/năm, trong đó, quá nửa sản lượng nguyên liệu TACN (14,5-15,0 triệu tấn) dành cho ngành gia cầm.

Tuy nhiên, nguồn cung và giá nguyên liệu TACN trên thế giới rất khó dự đoán, đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp trên phạm vi toàn cầu, có thể tiếp tục làm đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng.

Trước tình trạng đó, theo các chuyên gia, bên cạnh các giải pháp về chính sách thuế, thương mại, đã đến lúc, Việt Nam cần có chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu thức ăn trong nước một cách căn cơ, bài bản; cần có nhiều giải pháp đồng bộ.

Minh Phú