Bác sĩ tại nhà: Bệnh nhân tim mạch có nên tiêm vắc xin phòng Covid-19?
Sức khỏe - Ngày đăng : 15:32, 14/08/2021
Đáp: Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, người có bệnh tim mạch thường bị nặng hơn và khả năng tử vong cao hơn do vi rút SARS-CoV-2 tác động mạnh lên tim qua nhiều cơ chế, trong đó nặng nhất là viêm nhiễm tác động lên tim. Cách duy nhất để ngăn ngừa điều này chính là tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Tiêm vắc xin giúp làm giảm nguy cơ biến chứng nặng đối với bệnh nhân tim mạch, làm cho bệnh nhân tim mạch ít có khả năng bị tử vong hơn, khả năng phải nhập viện cũng giảm hẳn so với người không tiêm vắc xin.
Tuy vậy, bệnh nhân tim mạch khi tiêm vắc xin cần nói rõ với cán bộ y tế ở trung tâm tiêm chủng một số vấn đề như bản thân có bị dị ứng hay không. Những bệnh nhân có phản ứng không liên quan đến vắc xin như dị ứng hải sản, thời tiết hoặc thuốc uống vẫn có thể tiêm được vắc xin nhưng cần được theo dõi kỹ ở bệnh viện sau khi tiêm. Trường hợp người bệnh đang sốt hoặc mệt mỏi nhiều thì không nên tiêm vắc xin ở thời điểm đó.
Chúng ta không nên dừng bất cứ loại thuốc tim mạch nào trước và sau khi tiêm vắc xin phòng Covid-19. Bệnh nhân tim mạch dùng các thuốc chống đông như Warfarin (còn gọi là các thuốc kháng vitamin K), các thuốc chống đông đường uống trực tiếp (NOAC) như Dabigatran, Rivaroxaban hoặc các thuốc chống ngưng kết tiểu cầu khi có bệnh lý mạch vành như Aspirin, Clopidogrel, Ticargrelor, Prasugrel có nguy cơ chảy máu khi tiêm thuốc. Tuy nhiên, vắc xin phòng Covid-19 thường được tiêm ở dưới cơ, người ta thường dùng loại kim rất nhỏ để tiêm nên nguy cơ chảy máu là rất thấp. Một số bệnh nhân có thể có máu tụ ở chỗ tiêm khi dùng các thuốc chống đông; không nên quá lo lắng về điều này và chúng ta có thể không cần ngừng các thuốc chống đông. Với người dùng thuốc chống đông loại Warfarin, nếu INR không quá cao thì vẫn có thể tiêm an toàn.