Thể thao Hà Nội và mục tiêu giành huy chương Olympic: Muốn "vàng" thì phải nhìn xa
Thể thao - Ngày đăng : 06:40, 14/08/2021
Luôn trong nhóm đầu
Nhiều kỳ Olympic gần đây, thể thao Hà Nội luôn đứng đầu về việc đóng góp VĐV trong đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic. Tại Olympic Tokyo 2020, thể thao Hà Nội góp 4 VĐV, gồm Nguyễn Thị Tâm (boxing), Đinh Phương Thành (thể dục dụng cụ), Lường Thị Thảo (rowing), Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung) trong 18 VĐV của đoàn thể thao Việt Nam. Chưa kể, do lý do khách quan mà Vương Thị Huyền (cử tạ), Vũ Thành An (đấu kiếm) của Hà Nội “mất” vé dự Olympic Tokyo 2020 một cách đáng tiếc.
Giành huy chương Olympic là mục tiêu quan trọng hàng đầu của thể thao Hà Nội sau khi đã hoàn thành mục tiêu có VĐV giành HCV tại ASIAD (VĐV nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo giành HCV tại ASIAD 2018). Quy hoạch phát triển thể dục thể thao Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 cũng đề cập đến việc này. Dù vậy, trước Olympic Tokyo 2020, các nhà quản lý thể thao Hà Nội đủ tỉnh táo để biết rõ rằng, các VĐV Hà Nội trong thành phần đoàn thể thao Việt Nam chưa thể giành huy chương ở một sân chơi lớn như Olympic, và thực tế đã diễn ra như dự báo.
Đến nay, mục tiêu giành nhiều vé tham dự Olympic luôn được hoàn thành với sự đầu tư kinh phí, hỗ trợ chuyên gia, tổ chức tập huấn, thi đấu quốc tế cho VĐV của thể thao Hà Nội bên cạnh sự đầu tư của Tổng cục TDTT. Rõ nhất là trường hợp VĐV bắn cung Đỗ Thị Ánh Nguyệt khi từng được Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội tạo điều kiện đi tập huấn tại Hàn Quốc - quốc gia số 1 thế giới về bắn cung, trước khi tham dự vòng loại khu vực châu Á và giành vé dự Olympic Tokyo 2020.
Tuy nhiên, số VĐV Hà Nội có khả năng giành huy chương Olympic trong nhiều năm qua cũng chỉ mới có Vương Thị Huyền ở môn cử tạ. Đáng tiếc, tại Olympic Rio 2016, khi đang đạt phong độ tốt thì Vương Thị Huyền lại không thể hoàn thành mục tiêu.
Nguyên nhân được chỉ ra là thiếu một chiến lược dài hơi với nguồn kinh phí ổn định cùng cơ chế phù hợp để VĐV có thể tập huấn dài hạn tại nước ngoài.
Chiến lược đường dài
Ngay sau Olympic Tokyo, khi nói về những môn thể thao mà VĐV Hà Nội có thể tranh chấp huy chương Olympic trong tương lai, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội Đào Quốc Thắng chỉ ra cử tạ, bắn cung và phần nào là bắn súng. Còn một số môn khác có tiềm năng, nhưng cần được rà soát kỹ hơn để có định hướng đầu tư cụ thể.
Điều này cũng trùng với nhận định trước đó của Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn khi nói về những môn thể thao Việt Nam có thể tranh chấp huy chương tại Olympic.
Tuy nhiên, với thể thao Hà Nội, những môn như cử tạ hay bắn súng còn phải chờ khoảng 2 chu kỳ Olympic nữa thì mới có thể có VĐV đủ sức tranh huy chương tại Olympic. Trong khi đó, theo nhìn nhận gần đây của ông Hoàng Quốc Vinh (Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1, Tổng cục TDTT), lực lượng hiện nay của bắn cung Hà Nội có những hạt nhân có thể hướng đến mục tiêu giành huy chương ở ngay kỳ Olympic tới. Tuy vậy, cần có kế hoạch đầu tư dài hạn, xuyên suốt mà câu chuyện thể thao Hà Nội từng đưa hàng chục VĐV đi tập huấn dài hạn trong vài năm ở Trung Quốc rồi tỏa sáng tại SEA Games 2003 vẫn là bài học có thể áp dụng trong tương lai.
Theo ông Đinh Văn Luyến, Trưởng phòng Quản lý TDTT (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội), đến lúc này, mục tiêu giành huy chương Olympic cần được xem là ưu tiên với cách đầu tư mang tính đặc thù. Thực tế, với mối quan hệ quốc tế tốt cùng những HLV và VĐV sẵn sàng cống hiến, chấp nhận đi tập huấn dài hạn, thể thao Hà Nội hoàn toàn có thể thực hiện việc này. Tất nhiên, bên cạnh nhóm VĐV có khả năng giành huy chương Olympic, thể thao Hà Nội vẫn sẽ chú trọng đầu tư cho những VĐV có thể giành vé dự Olympic, giành HCV ASIAD và SEA Games.
Chỉ có như vậy thì thể thao Hà Nội mới mong hoàn thành mục tiêu phấn đấu có trên 2 huy chương tại các kỳ Olympic như Quy hoạch phát triển thể dục thể thao Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 từng đặt ra.