Hà Nội: Linh hoạt trong việc tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ đối với nhóm lao động tự do
Đời sống - Ngày đăng : 11:54, 14/08/2021
Trong trường hợp người lao động hiện đăng ký tạm trú ở nơi khác địa chỉ thường trú, muốn đề nghị hỗ trợ tại nơi đăng ký tạm trú, thì họ phải có giấy xác nhận “không đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ” tại nơi thường trú và ngược lại. Giấy này do UBND xã, phường, thị trấn nơi người lao động đăng ký thường trú hoặc tạm trú xác nhận cho người lao động.
Ví dụ, người lao động thường trú ở thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì), đăng ký tạm trú tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh), mà họ muốn đề nghị nhận hỗ trợ tại xã Kim Chung, thì họ phải có xác nhận “không đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ” ở thị trấn Tây Đằng, do UBND thị trấn Tây Đằng xác nhận và ngược lại. Sau khi hoàn thiện các thủ tục, danh sách người lao động đủ điều kiện hưởng hỗ trợ phải được niêm yết công khai qua nhiều kênh thông tin, bằng hình thức trực tiếp, trực tuyến.
Quy định này nhằm bảo đảm mỗi người lao động chỉ nhận một lần hỗ trợ, không trùng lặp, tránh bỏ sót. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chính sách hỗ trợ cho lao động tự do, người lao động gặp vướng mắc trong việc xin giấy xác nhận “không đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ” tại nơi thường trú hoặc tạm trú. Bởi, hiện nay, người lao động đang thực hiện giãn cách xã hội, trong đó có không ít trường hợp đang cách ly y tế, cư trú trong khu vực bị phong tỏa theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Do đó, họ không thể về nơi thường trú hoặc nơi tạm trú để xin xác nhận “không đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ”.
Trước thực trạng này, ngày 12-8-2021, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã có Công văn số 4658/SLĐTBXH-VLATLĐ báo cáo và đề nghị UBND thành phố Hà Nội tháo gỡ khó khăn trong việc xác nhận để hưởng chế độ hỗ trợ cho lao động tự do.
Theo đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị UBND thành phố cho phép UBND các quận, huyện, thị xã và UBND các xã, phường, thị trấn, các đơn vị có liên quan tổ chức tiếp nhận hồ sơ người lao động bằng nhiều hình thức (trực tiếp, bưu điện, email, trực tuyến...); đồng thời linh hoạt trong việc giảm thời gian giải quyết hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
Việc gửi thông tin người lao động đã được nhận hỗ trợ đến nơi người lao động đăng ký thường trú/tạm trú cũng cần được triển khai bằng các hình thức linh hoạt (qua email, hòm thư công vụ, bưu điện...). Thay vì phải niêm yết công khai danh sách các trường hợp được hỗ trợ bằng nhiều hình thức, các cơ quan chức năng chỉ cần công khai trên trang thông tin của đơn vị, nhằm bảo đảm người lao động được hưởng trong thời gian sớm nhất.
Những kiến nghị, đề xuất nêu trên của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội được UBND thành phố Hà Nội thống nhất tại Công văn số 2644/UBND ngày 13-8-2021 về tháo gỡ khó khăn trong việc xác nhận để hưởng chế độ hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Trên cơ sở đó, ngay trong ngày 13-8, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã có văn bản hỏa tốc đề nghị UBND 30 quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan chủ động, linh hoạt tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ đối với nhóm lao động tự do bằng nhiều hình thức như đã nêu ở trên.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.