Nỗ lực giữ an toàn với dịch bệnh, bảo đảm duy trì sản xuất công nghiệp

Xã hội - Ngày đăng : 06:12, 15/08/2021

(HNM) - Dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội đã ảnh hưởng tới lưu thông hàng hóa, sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, với những giải pháp cụ thể, Chỉ số sản xuất công nghiệp của thành phố Hà Nội trong 7 tháng của năm 2021 vẫn tăng khá cao. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng cho biết: Đây là kết quả của việc nỗ lực giữ an toàn với dịch bệnh, bảo đảm duy trì sản xuất công nghiệp...

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng.

Sản xuất công nghiệp duy trì tăng trưởng

- Theo số liệu của Cục Thống kê Hà Nội, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7-2021 của Hà Nội ước tính tăng 1% so với tháng trước và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2020. Ông đánh giá thế nào về kết quả này?

- Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tháng 7-2021, nhiều địa phương và thành phố Hà Nội đã áp dụng các biện pháp cấp bách nhằm phòng, chống dịch. Các sự kiện kích cầu thúc đẩy phát triển thị trường trong nước đều phải dừng, hoãn; một số loại hình kinh doanh, dịch vụ phải đóng cửa... Tuy nhiên, thành phố Hà Nội đã sớm chủ động dự báo tình hình, từ đó quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch Covid-19 và triển khai các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng phương án sản xuất, chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào và có kế hoạch tiêu thụ sản phẩm trong từng giai đoạn... Nhờ vậy, IIP vẫn duy trì được sự tăng trưởng. 

Cụ thể, trong tháng 7-2021, IIP của Hà Nội tăng 1% so với tháng trước và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng lần lượt là 0,3% và tăng 7,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 9,5% và tăng 7%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 0,8% và tăng 4,3%... Lũy kế 7 tháng của năm 2021, IIP của thành phố tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2020 (7 tháng của năm 2020 tăng 4%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm tỷ trọng chủ yếu trong giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp) tăng 8,7%; sản xuất và phân phối điện tăng 7,3%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 6,8%; công nghiệp khai khoáng tăng 3%.

- Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu trong sản xuất công nghiệp là dấu hiệu tích cực. Ông có thể thông tin thêm về lĩnh vực này?

- Hầu như các ngành sản xuất chế biến, chế tạo 7 tháng của năm 2021 có chỉ số IIP tăng so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, một số ngành đạt mức tăng cao là: Sản xuất đồ uống tăng 17,4%; sản xuất xe động cơ tăng 22,6%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 13%; sản xuất thiết bị điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 11%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 15%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 15,2%; sản xuất trang phục tăng 22%; sản xuất thiết bị điện tăng 10%... Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số giảm so với cùng kỳ năm 2020 là sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 3%; sản xuất sản phẩm từ cao su và nhựa giảm 3,4%.

- Vậy khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải là gì, thưa ông?

- Lo ngại lớn nhất của doanh nghiệp là dịch bệnh có thể làm đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, các biện pháp phòng, chống dịch, giãn cách xã hội có thể ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa, nguồn nguyên vật liệu. Mặt khác, giá nhiều loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất tăng cao trong những tháng đầu năm 2021 làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng kiến nghị sớm được tiếp cận nguồn vắc xin để tiêm phòng cho người lao động; kiểm soát tốt, tránh việc các doanh nghiệp đầu mối găm hàng, đầu cơ trục lợi; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khoanh, giãn nợ ngân hàng, giảm lãi suất, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất...

Ngoài ra, một khó khăn khác là thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố để phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23-7-2021 của UBND thành phố, các nhà máy, xí nghiệp sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp phải xây dựng phương án sản xuất an toàn “3 tại chỗ: Sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” được UBND quận, huyện, thị xã phê duyệt mới được phép hoạt động.

Sau 3 tuần thực hiện Chỉ thị số 17/CT-UBND có hơn 2.500 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại các cụm công nghiệp không đáp ứng đầy đủ phương án sản xuất an toàn đã phải dừng hoạt động, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất...

Trong khi đó, các doanh nghiệp được phép hoạt động theo phương án trên cũng đã cho thấy nhiều bất cập, chưa thực sự hiệu quả do làm phát sinh chi phí sản xuất, năng suất lao động giảm... Để giải quyết, Sở Công Thương sẽ báo cáo với UBND thành phố có các biện pháp, giải pháp, quy trình khắc phục cho phù hợp với tình hình dịch tễ, thực tế và năng lực của các doanh nghiệp, vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch, vừa sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị để sớm phục hồi hoạt động sản xuất...

Quyết tâm không để đứt gãy chuỗi sản xuất

- Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đây cũng là nguy cơ lớn nhất ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vậy những biện pháp để bảo đảm không làm đứt gãy chuỗi sản xuất là gì, thưa ông?

- Chúng tôi cũng đánh giá tình hình dịch Covid-19 tại khu vực Đông Nam Á và trong nước vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Trên địa bàn thành phố, dịch bệnh vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ, khả năng lây nhiễm cao trong cộng đồng. Để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2021 trong bối cảnh vẫn phải giãn cách xã hội và dành nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19 là một nhiệm vụ hết sức khó khăn.

Về công tác phòng, chống dịch, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp có phương án, kịch bản cụ thể ứng phó với từng cấp độ dịch bệnh nhằm bảo vệ an toàn cho người lao động, đồng thời duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh.

Các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch của Sở Công Thương sẽ tăng cường đôn đốc, giám sát tại các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, đơn vị quản lý khai thác cụm công nghiệp; chấn chỉnh kịp thời đối với đơn vị có biểu hiện lơ là, chủ quan, thiếu trách nhiệm, thực hiện không nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Cùng với đó, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường, kích cầu tiêu dùng hợp lý...

- Ông đánh giá thế nào về sự sẵn sàng của doanh nghiệp trong phòng, chống dịch Covid-19?

- Tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, để bảo đảm duy trì sản xuất, công tác phòng, chống dịch là ưu tiên hàng đầu. Theo sự phân công của UBND thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các cụm công nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động, diện tích 1.700ha tại 17 quận, huyện, thị xã; thu hút khoảng 3.600 doanh nghiệp, hộ gia đình vào đầu tư sản xuất, kinh doanh, với hơn 70.000 lao động chủ yếu là người địa phương.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Phương án số 162/PA-UBND, ngày 12-7-2021, về việc phòng, chống dịch Covid-19 tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất và kinh doanh trên địa bàn thành phố. Phương án này đặt ra các tình huống cụ thể như khi chưa có ca bệnh, cơ quan quản lý, doanh nghiệp phải tập trung kiểm soát, giám sát không để dịch bệnh xâm nhập. Khi có ca bệnh, doanh nghiệp phải phối hợp với các cơ quan chức năng khoanh vùng, cách ly, truy vết...

Nhìn chung, các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã có sự chủ động, xây dựng phương án kỹ càng với quyết tâm nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, duy trì tăng trưởng công nghiệp ở mức cao nhất.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Hải