Nỗ lực vì mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng
Xã hội - Ngày đăng : 05:45, 15/08/2021
Ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế:
Ðẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin
Việt Nam đặt mục tiêu từ nay đến cuối năm 2021, đầu năm 2022 phải tiêm được cho ít nhất 70% dân số để đạt được miễn dịch cộng đồng. Chỉ còn vài tháng nữa để hoàn thành mục tiêu này, do vậy, cần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng với sự vào cuộc của cả hệ thống y tế công lập, tư nhân và sự phối hợp đa ngành.
Nước ta có trên 14.000 điểm tiêm chủng, bao gồm các điểm tiêm chủng mở rộng tại gần 12.000 xã, phường và khoảng 2.000 điểm tiêm chủng dịch vụ. Để đẩy nhanh tiến độ, có thể thiết lập thêm các điểm tiêm chủng khác tại các cơ sở điều trị như thời gian qua đã làm cộng với ứng dụng công nghệ thông tin, hy vọng tốc độ tiêm vắc xin sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, để triển khai tiêm chủng trên quy mô lớn với nhiều loại vắc xin mà Việt Nam tiếp nhận được, Bộ Y tế cũng đã có kế hoạch huy động tối đa nhân lực của hệ thống y tế bao gồm cả giảng viên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng y tế trên toàn quốc, hệ thống y tế tư nhân tham gia vào chiến dịch tiêm chủng này.
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay là nguồn cung vắc xin. Thời gian qua, Bộ Y tế đã nỗ lực tìm kiếm, trao đổi, đàm phán để có các nguồn vắc xin phòng Covid-19 nhập khẩu và đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước để đạt mục tiêu có 150 triệu liều vắc xin như Nghị quyết 21 của Chính phủ.
Trong bối cảnh còn hạn chế về nguồn cung vắc xin, Việt Nam vẫn phải duy trì chiến lược: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả. Đồng thời, thực hiện thông điệp “5K”. Trong quá trình tiêm, theo hướng dẫn của ngành Y tế, công tác sàng lọc phải được tiến hành chặt chẽ để chỉ định tiêm hoặc hoãn tiêm với các đối tượng nguy cơ. Công tác theo dõi sau tiêm cũng phải được các cơ sở tiêm chủng đặc biệt quan tâm.
Tiến sĩ Vũ Minh Điền, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương:
Lợi ích mà tiêm chủng mang lại là rất lớn
Giống như vắc xin khác đã sử dụng nhiều năm, vắc xin phòng Covid-19 khi đưa vào cơ thể có thể xảy ra biến chứng nghiêm trọng như sốc phản vệ. Tuy vậy, hiệu quả phòng bệnh tùy theo từng loại vắc xin là không thể phủ nhận, có thể dao động từ 60% đến trên 90%. Chưa kể, vắc xin sẽ làm giảm các triệu chứng nặng và tử vong do Covid-19 nếu không may mắc bệnh.
Chẳng hạn, vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca hiện được triển khai tiêm tại 25 quốc gia. Sau khi tiêm chủng có thể xảy ra các phản ứng; phổ biến nhất (trên 10%) là các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, đau nóng tại vị trí tiêm, mệt mỏi, bồn chồn, sốt (phổ biến là sốt nhẹ), ớn lạnh. Ngoài ra, có từ 1% đến dưới 10% số người tiêm có biểu hiện sưng và đỏ tại vị trí tiêm.
Người dân không nên vì lo ngại các phản ứng thông thường của việc tiêm vắc xin mà bỏ qua tiêm chủng bởi lợi ích từ việc tiêm vắc xin mang lại là rất lớn. Chưa kể, rủi ro khi tiêm sẽ được giảm rất nhiều nếu công tác tiêm chủng, sàng lọc được tổ chức tốt.
Theo hướng dẫn của ngành Y tế, trước khi tiêm chủng, cán bộ y tế phải trao đổi, hỏi rõ tiền sử bệnh tật xem người tiêm có mắc các bệnh nhiễm trùng cấp tính, mạn tính phải điều trị, điều trị hóa trị, miễn dịch, có tiền sử dị ứng hay sốc phản vệ, từ đó có thể đưa ra chỉ định tiêm hoặc hoãn tiêm.
Với những người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác; người có bệnh nền, bệnh mạn tính được điều trị ổn định; người mất tri giác, mất năng lực hành vi; người trên 65 tuổi; người có tiền sử giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu; người có bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống (huyết áp cao, thấp, SpO2 thấp) được xem là người cần thận trọng khi tiêm chủng. Những người này phải đến cơ sở y tế có điều kiện cấp cứu để tiêm và theo dõi.
Đối với mũi tiêm thứ 2, cán bộ y tế phải hỏi người được tiêm có biểu hiện phản ứng trầm trọng của lần trước đó hay không để tạm hoãn tiêm hoặc hướng dẫn cụ thể. Người từng mắc Covid-19 có thể hoãn việc tiêm phòng khoảng 6 tháng sau khi khỏi bệnh.
Tất cả các vắc xin đều có khả năng gây phản ứng phụ, thậm chí là phản ứng nặng như sốc phản vệ. Do đó, nếu đã được khuyên tạm hoãn tiêm vắc xin này thì có thể cũng bị tạm hoãn với vắc xin khác. Ngoài ra, tất cả các đối tượng có tiền sử dị ứng vẫn có thể tiêm vắc xin nhưng cần được tiêm tại các cơ sở y tế có khả năng chăm sóc đặc biệt nếu gặp trường hợp phản ứng nặng xảy ra.
Bà Phạm Thị Ngoãn (56 tuổi, phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội):
Tiêm vắc xin để bảo vệ bản thân và những người xung quanh
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, người dân mong chờ từng ngày được tiếp cận sớm với vắc xin phòng Covid-19 để bảo đảm bản thân được an toàn, góp phần vào công cuộc chống dịch.
Chứng kiến cán bộ y tế nhọc nhằn chống dịch trong những bộ đồ bảo hộ nóng bức, bí bách, nhiều tháng, nhiều ngày không được về nhà, ăn uống qua loa, giấc ngủ chập chờn, tôi rất ám ảnh, chỉ mong sao dịch sớm được kiểm soát và công tác tiêm vắc xin được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi để nước ta sớm đạt miễn dịch cộng đồng.
Bản thân tham gia trong Tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng tại địa phương, hằng ngày tôi cùng các thành viên đã đến từng hộ gia đình rà soát, nắm bắt những thành viên trong gia đình tiếp xúc với những ai, tình trạng sức khỏe thế nào, tuyên truyền để mọi người thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, khai báo y tế khi có dấu hiệu bất thường, hiểu rằng việc tiêm vắc xin chính là để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.
Hiện nay, rất nhiều người đã đăng ký tiêm online và mong chờ sớm tới lượt được tiêm. Từ câu chuyện đi tiêm của người thân, của đồng nghiệp, từ thông tin về hàng triệu mũi tiêm được thực hiện an toàn, những nghi ngại ban đầu về tác dụng phụ của vắc xin, những lo lắng về vắc xin không đủ khả năng bảo vệ trước biến thể Delta đã không còn nữa. Khi được tiêm vắc xin, tôi sẽ vững tâm hơn khi thực hiện nhiệm vụ chống dịch gian nan, vất vả nhưng rất đáng tự hào.
Tôi hy vọng trong một ngày gần nhất, tất cả người dân Việt Nam đều được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Đồng thời, tôi cũng mong muốn mọi người dân đều chấp hành nghiêm tất cả các biện pháp, quy định về phòng, chống dịch của Chính phủ và Bộ Y tế, khai báo y tế thường xuyên để tránh lây lan dịch bệnh.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.