Chiến sự leo thang tại Afghanistan: Vòng xoáy khủng hoảng

Thế giới - Ngày đăng : 06:22, 15/08/2021

(HNM) - Chiến sự đang leo thang ác liệt tại Afghanistan trong những ngày qua với việc lực lượng Taliban liên tiếp chiếm được nhiều thành phố chiến lược và áp sát thủ đô Kabul. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ quan ngại về tình hình tại quốc gia Tây Nam Á này đang vượt khỏi tầm kiểm soát, trong bối cảnh vòng xoáy bạo lực đã tạo ra một cuộc khủng hoảng toàn diện cả về an ninh, nhân đạo và xóa mờ đi những triển vọng đàm phán hòa bình còn dang dở.

Người dân Afghanistan trong một trại tị nạn tạm thời được sơ tán đến các thánh đường và trường học ở thủ đô Kabul.

Chưa bao giờ Mỹ và các đồng minh chứng kiến nhiều vùng lãnh thổ ở Afghanistan rơi vào tay Taliban nhanh như vậy. Sau khi lần đầu tiên chiếm cứ được một thủ phủ cấp tỉnh là thành phố Zaranj vào ngày 6-8, các tay súng Taliban đã giành quyền kiểm soát khoảng 18 trong số 34 thủ phủ cấp tỉnh của Afghanistan chỉ sau khoảng thời gian vài ngày ngắn ngủi, tạo thành vòng vây gây áp lực lên thủ đô Kabul.

Nguồn tin từ Chính phủ nước này xác nhận rằng Kandahar, trung tâm kinh tế miền Nam đã nằm dưới sự kiểm soát của Taliban. Thành phố Herat với khoảng 600.000 dân ở phía Tây gần biên giới với Iran cũng đã bị các tay súng Taliban chiếm đóng. Việc Taliban chiếm giữ các thành phố chiến lược của Afghanistan là đòn giáng mạnh vào lực lượng Chính phủ và làm dấy lên lo ngại rằng một cuộc tấn công vào thủ đô Kabul chỉ còn là vấn đề thời gian.

Thủ đô Kabul của Afghanistan vốn đã ở trong tình trạng báo động cao kể từ tháng 4-2021, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố kế hoạch rút toàn bộ quân đội xứ Cờ hoa khỏi quốc gia Tây Nam Á trước ngày 11-9-2021. Sau thông báo này, Taliban đã tăng cường các cuộc tấn công trên khắp đất nước nhằm gây sức ép và hiện đã kiểm soát khoảng 65% diện tích Afghanistan. Trong số các thành phố lớn, lực lượng Chính phủ hiện còn nắm giữ Kabul cùng với Mazar-i-Sharif ở phía Bắc và Jalalabad gần biên giới với Pakistan ở phía Đông.

Trước những cuộc tấn công ồ ạt của Taliban trong thời gian gần đây, nhiều quốc gia đang gấp rút sơ tán công dân và nhân viên ngoại giao tại Afghanistan. Hôm 12-8, Lầu Năm Góc thông báo gửi đến Afghanistan khoảng 3.000 binh sĩ trong vòng 48 giờ để hỗ trợ quá trình sơ tán nhân viên Đại sứ quán Mỹ. Anh cũng tuyên bố triển khai khoảng 600 quân giúp các công dân của mình rời đi. Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho biết, Liên hợp quốc đang đánh giá tình hình an ninh theo “từng giờ” và đang di tản một số nhân viên từ Kabul đến các vùng khác của Afghanistan.

Liên hợp quốc lo ngại, một cuộc tấn công của Taliban vào Kabul sẽ tạo ra hậu quả thảm khốc và nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang ngày một hiện hữu. Khoảng 400.000 thường dân tại Afghanistan đã buộc phải rời bỏ nhà cửa kể từ đầu năm nay, nhất là khi Taliban mở rộng chiến dịch tấn công hồi tháng 5. Bên cạnh đó, lo ngại còn đến từ việc Taliban đang áp đặt những hạn chế nghiêm ngặt trong các khu vực do lực lượng này kiểm soát, gây nguy hiểm cho thường dân, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em. 

Ngày 13-8, Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Guterres kêu gọi Taliban ngừng ngay các cuộc tấn công để bắt đầu đàm phán nghiêm túc, tránh một cuộc nội chiến kéo dài và tránh sự cô lập cho Afghanistan.

Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế cũng đã lên tiếng cảnh báo việc nắm quyền lực thông qua bạo lực ở Afghanistan sẽ không được quốc tế công nhận. Song, hy vọng về các cuộc đàm phán, thương lượng nhằm kết thúc giao tranh đang rất mong manh. Những ưu thế trên chiến trường khiến triển vọng Taliban bảo đảm cam kết về một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng hiện nay gần như là không thể.

Trái ngược hẳn với những chiến thắng nhanh chóng của Taliban trong những ngày qua, các cuộc thảo luận tại Doha (Qatar) nhằm phá vỡ bế tắc trong tiến trình hòa bình tại Afghanistan lại diễn ra rất chậm, báo hiệu tình trạng xung đột mà quốc gia này đang ngày càng lún sâu chưa thể sớm có hồi kết.

Minh Hiếu