Khi tác giả đầu tư in sách
Sách - Ngày đăng : 05:10, 15/08/2021
Chủ động nhưng áp lực
Thời gian qua, nhiều tác giả trẻ tự đầu tư in thơ, truyện ngắn, tản văn, nghiên cứu phê bình và tự quảng bá, phát hành như Thy Nguyên, Hà Hương Sơn, Lê Thị Tuyết Lan, Đặng Thiên Phong, Nguyễn Duy Quyền, Trần Thúy Lành, Nam Thiên Phú... Không ít nhà văn, nhà phê bình có tên tuổi cũng thực hiện cách này như Nguyễn Thị Tịnh Thy, Hoàng Đăng Khoa, Nguyễn Thanh Tâm, Hoàng Liên Sơn, Trần Hưng...
Các tác giả cho rằng, việc tự đầu tư xuất bản tác phẩm có lợi thế là làm chủ hoàn toàn nội dung tác phẩm mà mình muốn xuất bản, từ khâu thuê thiết kế, quyết định chất lượng giấy in, hình thức bìa, giá bán... “Tuy nhiên, bất cập cũng xuất phát ngay từ trong ưu điểm đó. Thông thường, một đơn vị xuất bản có những khâu chuyên biệt để cho ra đời một cuốn sách, còn với việc tự xuất bản, thì tác giả là người đóng vai trò biên tập tác phẩm của mình. Bên cạnh đó, là áp lực rất lớn, đó là liệu tác phẩm do chính mình đầu tư xuất bản có được mọi người đón nhận hay không, bởi bạn đọc hiện nay thường có xu hướng chọn mua sách do một đơn vị nào đó xuất bản hơn là do một cá nhân tự làm”, tác giả Hà Hương Sơn bày tỏ.
Vào thời điểm đại dịch đang bùng phát, việc in sách gặp nhiều bất lợi. Thực tế, có nhiều đơn hàng đã đặt từ trước, nhưng cuối cùng bị hủy đơn, do kinh tế của người mua sách bị ảnh hưởng, mất việc, tâm trạng xuống dốc. Song, như nhà thơ Trần Hưng chia sẻ, không nên vì thế mà không in sách. Càng trong hoạn nạn, người sáng tác càng cần chủ động tìm cách lan tỏa tác phẩm cho phù hợp.
Trần Dạ Hợp, tác giả tự đầu tư xuất bản tập thơ và truyện có tên “Bên bìa rừng lao xao” cho biết, lần đầu phát hành sách nên rất áp lực, bỡ ngỡ. Sau khi tìm hiểu qua bạn bè và các trang thông tin của các nhà sách, nhà xuất bản, Trần Dạ Hợp quyết định: “Tôi tìm đến đội ngũ biên tập nhà sách Tinh Văn book, được hướng dẫn chi tiết các bước để phát hành sách, việc biên tập, dàn trang, thiết kế bìa và hướng marketing cho sách”.
Kéo bạn đọc đến với sách
Nhà nghiên cứu phê bình Nguyễn Thị Tịnh Thy là người dám đầu tư có chiều sâu cho tác phẩm của mình. Bởi ngoài chăm chút về chất lượng, chị cũng quan tâm đầu tư về hình thức, độ dày nên tác phẩm nào cũng... “hoành tráng”. “Dám ngoái đầu nhìn lại” là cuốn sách phê bình mới đây của chị viết về tiểu thuyết của 5 tác gia gây chấn động văn đàn Trung Quốc đương đại: Cao Hành Kiện, Lý Nhuệ, Mạc Ngôn, Diêm Liên Khoa và Dư Hoa. Chủ đề mà cuốn sách hướng đến là cách thức nuôi dưỡng ký ức và tái hiện lịch sử của các nhà văn.
Trước câu hỏi, “trong khi dịch Covid-19 hoành hành, liệu bạn đọc có ngại chia sẻ?”, nhà phê bình Nguyễn Thị Tịnh Thy cho rằng: “Dịch bệnh cũng là một phần của lịch sử. Hiện thực cũng như ký ức đau thương về dịch bệnh sẽ là nguồn đề tài lớn, là cảm hứng sáng tác. Tôi đồng ý với ý kiến cho rằng, thảm họa là mảnh đất màu mỡ của văn chương. Nhà văn không đón nhận thảm họa bằng tâm thái xem bất hạnh của thế giới là cơ hội cho mình. Nhưng nhà văn rất cần biết biến bất hạnh, thảm họa đó thành tác phẩm nghệ thuật từ trách nhiệm và tài năng của người cầm bút. Trong phần kết luận của cuốn sách “Dám ngoái đầu nhìn lại”, tôi có trích dẫn ý kiến của nhà văn Diêm Liên Khoa về sự cần thiết của việc nuôi dưỡng ký ức đối với người sáng tạo nhân sự kiện dịch Covid-19: Nhà văn hãy là những người “ghi nhớ và một ngày nào đó có thể truyền lại ký ức cho thế hệ tương lai”.
Việc xuất bản và phát hành sách của nhà nghiên cứu phê bình Nguyễn Thị Tịnh Thy, ngoài để kéo thêm nhiều bạn đọc đến với sách, nhất là trong thời điểm nhiều tỉnh, thành phố giãn cách, chị cũng kỳ vọng các nhà văn Việt Nam sẽ biến ký ức thành hình tượng, can đảm đối diện với hiện thực và tái hiện hiện thực về tất cả những gì kinh khủng nhất của dịch bệnh, cái ác, sai lầm, đau thương và mất mát. Bởi vì nói cho cùng, con người vẫn rất cần văn chương để biết sợ hãi và tránh xa cái ác.
Thông qua các kênh cá nhân trên mạng xã hội, nhiều tác giả hiện nay đã và đang tự truyền thông, giới thiệu tác phẩm của mình. Đó là cách mưa dầm thấm lâu, lan tỏa dần dần cho bạn đọc. Khi nhiều người nhìn thấy tác phẩm văn chương được giới thiệu, họ sẽ nảy ra ý định mua hơn là khi không nhìn thấy hoặc không biết đến tác phẩm. Truyền thông cho tác phẩm, dù là trên các phương tiện thông tin đại chúng hay trên các trang mạng xã hội, nếu làm tốt sẽ được nhiều người biết đến, từ đó mang lại nguồn thu cho tác giả. Sau một lần xuất bản như vậy, tác giả sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm để lần sau có tác phẩm tốt hơn cả về nội dung, hình thức cũng như cách giới thiệu đến độc giả.