Ði chợ thời... giãn cách

Đời sống - Ngày đăng : 05:20, 15/08/2021

(HNNN) - Từ khi thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, việc đi chợ của người dân Thủ đô đã có nhiều thay đổi. Người Hà Nội giờ đã dần quen với việc đi chợ theo ngày, theo giờ, có người còn lập hội, lập nhóm “đi chợ hộ” nhau, các loại hàng khô, hàng tươi, con tôm, con cá giờ cũng đưa hết lên mạng xã hội, các ứng dụng Facebook, Zalo... Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, những cách thức đi chợ mới mẻ này đã phần nào giúp người dân ổn định cuộc sống, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, giảm nguy cơ lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2.

Người dân Hà Nội quen dần với việc đi chợ theo ngày, theo giờ nhất định.

Đi chợ bằng phiếu

Chừng nửa tháng qua các phường, xã trên địa bàn Hà Nội đã triển khai phát phiếu đi chợ cho người dân, đó cũng là khoảng thời gian người dân Hà Nội quen dần với thực tế là tại tất cả lối phụ vào chợ dân sinh đều bị rào và chỉ có thể vào chợ với sự điều tiết, hướng dẫn, kiểm soát của lực lượng chức năng. Đường đi lối lại được kẻ vẽ rõ ràng, vào một lối, ra một lối. Tại cổng chính, lực lượng chức năng luôn túc trực để yêu cầu người dân đo nhiệt độ, sát khuẩn tay, ai muốn vào chợ cũng phải ghi tên, điện thoại, địa chỉ... Và quen nhất là cảnh người đi chợ ai nấy cũng “tay xách, nách mang”, tranh thủ mà, vài ngày nữa mới được đi chợ lại...

Phường Nhật Tân (quận Tây Hồ) là nơi đi đầu trong việc phát phiếu đi chợ. Để tránh số lượng người quá đông vào chợ Nhật Tân cùng một thời điểm, người dân nơi đây được phát phiếu theo ngày chẵn hoặc lẻ và vào một khung giờ nhất định.

Bà Nguyễn Thị Nga, cư dân của phường Nhật Tân chia sẻ, ngày chưa có dịch, bà đi chợ đều đặn mỗi ngày, thậm chí 2 lần/ngày khi muốn đổi món ăn tươi, ngon. Nhưng kể từ khi Thành phố thực hiện giãn cách xã hội, bà chỉ đi chợ 2 lần/tuần, mua đủ nhu yếu phẩm cần thiết. Bà bảo, việc phát phiếu đi chợ cho người dân trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay là rất cần thiết, người dân rất đồng tình ủng hộ vì chợ là một trong những nơi rất dễ lây lan dịch bệnh nếu không được kiểm soát tốt.

Người dân thay đổi thói quen, các tiểu thương thì thay đổi cách bán hàng. Chị Phạm Thu Thủy, người bán cá tại chợ Lâm Du (phường Bồ Đề, quận Long Biên) hồ hởi bảo rằng “bán tốt lắm”. Người mua ai cũng mua nhiều, mà ít phải cạnh tranh như bình thường nên hàng chẳng hôm nào bị ế. Chị còn “khoe” kết hợp bán cá, tôm trên ứng dụng Zalo, Facebook với những khách hàng thân thiết nên việc buôn bán trong thời điểm này không bị ảnh hưởng nhiều...

Và những mô hình mới...

Người Việt Nam vốn có truyền thống trong gian khó càng bộc lộ rõ tinh thần vượt khó, đoàn kết. Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, càng thấy rõ tinh thần ấy, truyền thống trong cách người Hà Nội đi chợ. Dù mỗi nhà đều được phát phiếu đi chợ nhưng tại rất nhiều khu dân cư, những hộ gia đình ở gần nhau đã chủ động lập nhóm trên mạng xã hội để cắt cử nhau đi chợ mua thực phẩm.

Chị Vũ Thị Thoa, sống tại khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên), chia sẻ: “Tại chung cư của tôi mỗi tầng lập 1 đến 2 nhóm để cử nhau đi chợ. Cứ 3 ngày lại đi chợ 1 lần, mỗi lần một gia đình đi. Mọi người sẽ viết những đồ cần mua theo một danh sách, sau đó gửi trên nhóm, người mua cứ đi chợ theo danh sách đó rồi về đặt ở cửa từng nhà. Tiền sẽ được chuyển khoản cho người đi chợ... Dịch bệnh bây giờ ngày càng phức tạp, nếu mỗi người đều có ý thức thì tình hình sẽ nhanh được khống chế hơn”.

Không chỉ cắt cử nhau đi chợ luân phiên, nhiều tổ chức, chính quyền tại địa phương cũng đứng ra đi chợ hộ người dân. Mới đây, Ban quản trị chung cư báo Nhân Dân đã phối hợp với chính quyền địa phương, các cấp hội triển khai mô hình “đi chợ hộ” giúp người dân vừa đảm bảo được nhu cầu sinh hoạt hằng ngày, vừa thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch. Tất cả các mặt hàng đều được Ban quản trị niêm yết giá công khai trên các trang Zalo, Facebook riêng của tòa nhà, cư dân chỉ cần đăng ký các mặt hàng cần mua, đại diện Hội Phụ nữ tòa nhà và tổ thực phẩm sẽ tổng hợp đơn và đặt hàng với Hội Nông dân huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Đặc biệt, hình thức đi chợ online lâu nay đã phát huy nhiều tác dụng, tại thời điểm này lại được nhiều người dân “tín nhiệm” hơn cả. Trên các group “Chợ cư dân Thanh Xuân Bắc”, “Chợ Ngọc Lâm - quận Long Biên”, “Chợ cư dân quận Cầu Giấy”, “Chợ online Lĩnh Nam - Hoàng Mai”..., các mặt hàng thiết yếu được bày bán không thiếu thứ gì, từ xôi, bánh cuốn, bánh mỳ đến thịt cá, rau xanh các loại, các món nhâm nhi... Chị Hoàng Thu Ngân (Ngọc Lâm, Long Biên) cho biết, hơn 2 tuần nay chị đã chuyển hẳn sang hình thức mua hàng trực tuyến trên “chợ cư dân” của phường. Việc đặt mua của những người chung sống cùng khu, biết chính xác địa chỉ người bán cũng yên tâm hơn bởi nếu hàng hóa có vấn đề gì thì có thể tới tận nơi phản ánh hay trả lại...

Bên cạnh sự rôm rả của các hình thức đi chợ online, mô hình siêu thị, chợ lưu động cũng đã được triển khai nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, giảm áp lực cho các chợ dân sinh. Sở Công Thương Hà Nội vừa cho biết đã sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động do các quận, huyện, thị xã bố trí địa điểm.

Trên đại bàn quận Long Biên, chính quyền địa phương cũng đã mở 4 điểm bán hàng lưu động bình ổn giá tại khu dân cư gồm: Khu đô thị Việt Hưng, sân chơi số 34 phố Bắc Cầu (phường Ngọc Thụy), phố Đặng Vũ Hỷ (phường Thượng Thanh) và sân bóng Đảo Sen (phường Ngọc Lâm). Tại đây, các mặt hàng được niêm yết giá chi tiết và làm mới mỗi ngày nhằm đảm bảo chất lượng thực phẩm đến tay người dân. Bên cạnh đó, tại phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy), mô hình chợ lưu động cũng được triển khai tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường và sân bóng B5. Đây đều là những địa điểm nằm ngay trong khu dân cư, tạo sự thuận lợi cho người dân trong việc mua sắm...

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) cho biết: “Chợ như một siêu thị thu nhỏ, gồm rất nhiều hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu cho người dân. Hàng hóa được Trung tâm thương mại Aeon cung cấp nên nguồn gốc rất rõ ràng”.

Sau các hình thức “đi chợ hộ”, “đi chợ theo ngày, theo giờ”, “đi chợ online” thì mô hình “mang chợ ra chỗ thoáng” này bước đầu được người dân nhiệt tình ủng hộ. Ít nhất là vào thời điểm này, những hình thức đi chợ trên sẽ phần nào đảm bảo cho người dân giữ khoảng cách, tránh tiếp xúc đông người, góp phần đẩy lùi dịch bệnh.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Khánh Linh