Ngọc càng mài càng sáng

Chính trị - Ngày đăng : 05:39, 15/08/2021

(HNNN) - Năm 1911, khi người thanh niên yêu nước Văn Ba rời bến Nhà Rồng lên con tàu “Đô đốc Latouche Tréville” để đi tìm con đường cứu nước cho dân tộc thì tại làng An Xá - một chốn quê nghèo thuộc huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, cậu bé Võ Nguyên Giáp cất tiếng khóc chào đời. Một sự sắp đặt ngẫu nhiên nhưng vô cùng kỳ diệu của lịch sử: 33 năm sau, hai người trở thành đồng chí, thầy trò rồi sau đó đều được lịch sử tôn vinh là hiện thân cho hai thế hệ nối tiếp nhau làm nên lịch sử hào hùng của thế kỷ XX và là nguồn cảm hứng vô tận cho các thế hệ người Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (đứng bên phải) trình bày với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước kế hoạch mở chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh: Tư liệu

1. Cố Thượng tướng Trần Văn Trà, một người bạn chí thiết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Anh Văn được hưởng niềm yêu mến, gần như tuyệt đối của toàn quân... Anh là Tư lệnh của các Tư lệnh, Chính ủy của các Chính ủy, là Tổng Tư lệnh biết đau với từng vết thương của người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh. Anh Văn trở thành cây đa rợp bóng mát tình yêu thương đồng đội”.

Còn cố GS.NGND, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đã ca ngợi: “Anh Văn là tấm gương sáng về đạo đức và về sinh hoạt của một người đứng đầu toàn quân và của một nhà văn hóa..., là con người có bản lĩnh lớn. Bản lĩnh lớn, bởi vì anh đã bình tĩnh và bình thản vượt qua những năm tháng sóng to gió lớn của cuộc chiến tranh nhân dân giải phóng và của chính cuộc đời mình”. Và, “tôi biết rõ Tổng Tư lệnh đã nhiều đêm thao thức, nước mắt ướt đầm, vì được tin một chiến dịch nào đó máu chiến sĩ đổ quá nhiều, mà chiến thắng thì chưa tương xứng. Đấy là trái tim anh Văn! Đấy là cách đánh và cách tiến công nhân văn”...

Chúng ta xúc động đến nao lòng khi xem lại hình ảnh của vị tướng tóc bạc trắng ôm hôn các cháu thiếu niên khăn quàng đỏ thắm trên vai - thế hệ sẽ nối tiếp cha ông dựng xây và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, khi ông ân cần thăm hỏi những người già, kính cẩn thắp những nén hương biết ơn tưởng nhớ tới các Anh hùng, liệt sĩ trong những dịp về thăm quê hương Quảng Bình “nghĩa nặng tình sâu”... Được nghe giọng nói đầy sức truyền cảm của ông, được làm người lính dưới quyền chỉ huy của ông quả là một diễm phúc lớn lao!

2. Một điều rất đáng khâm phục ở Võ Nguyên Giáp, đó là ông đã sớm nhận ra, lĩnh hội sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh. Ông viết: “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam” (1977) và 3 bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản (năm 1996) với chủ đề xoay quanh tư tưởng Hồ Chí Minh để làm sáng tỏ tư tưởng của người thầy mình. Và ông khẳng định: “Thế giới sẽ còn đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn còn sống mãi” (năm 1991). Điều khẳng định của ông cách đây 30 năm đã được thực tiễn của đất nước ta và của thế giới chứng minh một cách vô cùng sinh động.

Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” nhân dịp kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định sự trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp nêu trong công trình khoa học của ông (năm 1991).

Không chỉ là một thiên tài quân sự, người trực tiếp tổ chức, kiến tạo những trận đánh lớn, đánh bại những danh tướng hàng đầu của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có đóng góp to lớn trong việc hình thành, phát triển học thuyết quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, đó là đường lối chiến tranh nhân dân, lấy chính nghĩa thắng bạo tàn. Học thuyết kế thừa và phát huy những bài học giá trị lịch sử của cha ông chống giặc ngoại xâm trong thời đại mới.

Đường lối chiến tranh của Đảng và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh đã nêu rõ nhiều luận điểm rất cơ bản, như: Phải tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện; trường kỳ kháng chiến với tự lực cánh sinh là chính, viện trợ bên ngoài là quan trọng; xây dựng lực lượng vũ trang gồm ba thứ quân (dân quân du kích, bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực), lấy bộ đội chủ lực làm nòng cốt; tiến hành chiến tranh du kích kết hợp chiến tranh chính quy với quy mô thích hợp trong từng giai đoạn; toàn dân đánh giặc với nhiều hình thức linh hoạt, lấy yếu địch mạnh, lấy nhỏ đánh lớn, lấy chất lượng tinh thắng số lượng đông, tập trung và phân tán lực lượng linh hoạt, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, giữ nghiêm kỷ luật và tuyệt đối bí mật, đánh chắc thắng; giành thắng lợi từng phần tiến lên giành thắng lợi toàn bộ...

Và không chỉ kiên định và quán triệt sâu sắc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đã tiến hành đường lối chiến tranh nhân dân hết sức độc đáo, sáng tạo, sinh động và đầy hiệu quả. Đồng chí hết sức coi trọng việc xây dựng tổ chức đảng “trong sạch, vững mạnh” trong các lực lượng vũ trang, đặc biệt quan tâm, chăm lo xây dựng bản lĩnh chính trị, bản lĩnh chiến đấu, chiến thuật quân sự, khả năng tác chiến; giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Cho đến khi “về với Bác Hồ”, Võ Nguyên Giáp luôn là “viên ngọc càng mài càng sáng”, thực sự là một nhân cách lớn. Dường như cả dân tộc đã gắn kết lại trong một nỗi đau chung, một khát vọng sống có ích! Cũng như Bác Hồ kính yêu, vị Đại tướng của lòng dân đã được nhân dân tiếc thương vô hạn khi đi xa... Đất mẹ Quảng Bình - nơi ông yên nghỉ vĩnh hằng, từ nhiều năm nay đã trở thành một “địa chỉ đỏ” để các thế hệ nhân dân Việt Nam viếng thăm, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ sau.

3. Việt Nam chúng ta, cũng như các nước ở khắp các châu lục trên thế giới, đang phải gồng mình chống chọi không ngừng nghỉ với đại dịch Covid-19 với những biến thể cực kỳ nguy hiểm đã gây bệnh cho hơn 200 triệu người, trong đó hơn 4 triệu người đã tử vong và con số ấy vẫn không ngừng tăng lên hằng ngày!

Lời kêu gọi toàn quân của Đại tướng cách đây gần nửa thế kỷ “Thần tốc, thần tốc hơn nữa...” đã thôi thúc đoàn quân giải phóng “áo xanh” làm nên Đại thắng mùa xuân lịch sử, giờ đây vẫn như còn ý nghĩa, thúc giục đoàn quân “áo trắng”, truy vết, xét nghiệm, xét nghiệm thần tốc những kẻ địch hầu như vô hình, với ý chí “quyết chiến”, “chống dịch như chống giặc”. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự lắng nghe, sẻ chia, thấu hiểu và sự đồng lòng của dân tộc, chắc chắn chúng ta sẽ “toàn thắng” đại dịch thế kỷ, đem lại sức khỏe và sự bình yên cho nhân dân đất Việt trong một ngày không xa.

Sẽ không quá nếu nói Hồ Chí Minh là người Việt Nam đẹp nhất thì Võ Nguyên Giáp chính là “Anh Bộ đội Cụ Hồ” đẹp nhất! Trong lời điếu tại Lễ quốc tang của Đại tướng tháng 10-2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đánh giá cao công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội ta suy tôn đồng chí là Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Con người, nhân cách và những cống hiến to lớn của đồng chí in đậm trong lòng nhân dân, là vị tướng của nhân dân, mãi mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc”.

Thạc sĩ Võ Quốc Hiển