Chủ động ứng phó thời tiết cực đoan

Công nghệ - Ngày đăng : 06:10, 17/08/2021

(HNM) - Từ nay đến cuối năm 2021, dự báo trên địa bàn Hà Nội sẽ xuất hiện nhiều loại hình thời tiết cực đoan, nguy hiểm... Hiện thành phố đã và đang chủ động triển khai nhiều giải pháp ứng phó, với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân.

Lãnh đạo huyện Chương Mỹ khảo sát vị trí làm nơi vừa sơ tán dân ứng phó với thiên tai, vừa cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19.

Gia tăng thời tiết cực đoan

Dù đã bước vào đầu mùa thu nhưng người dân Hà Nội vừa phải hứng chịu đợt nắng nóng từ ngày 25-7 đến 10-8, với nhiệt độ cao nhất đo được tại Trạm khí tượng Hà Đông là 39 độ C, vượt 0,5 độ C so với mức nhiệt cao kỷ lục thiết lập vào ngày 13-8-2019, cho thấy những biến đổi bất thường của thời tiết. Theo Giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ Võ Văn Hòa, từ nay đến cuối năm 2021, dù ít có khả năng xảy ra các đợt nắng nóng như vừa qua nhưng người dân Thủ đô có thể phải đối mặt với các loại hình thời tiết cực đoan như: Mưa to, bão, lũ lụt, úng ngập, dông, lốc, sét... Cụ thể, Hà Nội có khả năng chịu ảnh hưởng của 1-2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới và 2-4 đợt mưa vừa, mưa to trên diện rộng.

Đáng chú ý, trên các sông chính của Hà Nội có khả năng xuất hiện 2-4 trận lũ, trong đó có 1-2 đợt lũ trung bình và lớn. Đỉnh lũ năm 2021 trên các sông phổ biến cao hơn đỉnh lũ năm 2020 nhưng thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Mực nước cao nhất trên các sông: Đà, Hồng, Đuống phổ biến ở mức dưới báo động lũ cấp I, còn trên sông Đáy ở mức báo động lũ cấp I, cấp II. Trên các sông nội địa, như: Tích, Bùi, Nhuệ, Cà Lồ... xuất hiện 2-3 trận lũ ở mức trung bình; đỉnh lũ trên các sông này ở mức báo động lũ cấp I, cấp II, xấp xỉ với đỉnh lũ năm 2020.

Với những dự báo như trên, công tác bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân là nhiệm vụ rất lớn đối với các cấp, ngành và địa phương của thành phố, nhất là trong bối cảnh diễn biến của dịch Covid-19 còn phức tạp. Ông Nguyễn Văn San, ở xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) chia sẻ: “Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, mùa bão lũ đã cận kề, chúng tôi rất mong các cấp, ngành có giải pháp hữu hiệu để bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là ở các vùng "rốn" lũ như Nam Phương Tiến”.

Lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai xã Đức Hòa (huyện Sóc Sơn) thực hành kỹ năng xử lý sự cố sạt trượt mái đê tả sông Cà Lồ. Ảnh: Nhuệ Văn

Phát huy phương châm "4 tại chỗ"

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống thiên tai (Sở NN&PTNT Hà Nội), Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội Nguyễn Duy Du, đến nay, các cơ quan chức năng của thành phố đã hoàn thành việc kiện toàn ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai có khả năng xảy ra.

“Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thành phố đã yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện, thị xã chủ động rà soát, điều chỉnh kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai theo hướng phát huy tối đa phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó kịp thời, bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là ở các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, úng ngập; các khu vực cách ly do dịch bệnh và những nơi dự kiến sơ tán dân do thiên tai...”, ông Nguyễn Duy Du thông tin thêm.

Để chủ động ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch Covid-19, các địa phương trọng điểm của thành phố, như: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, Ba Vì... đã rà soát, cập nhật phương án di dời dân theo hướng tăng cường sơ tán tại chỗ, hạn chế sơ tán tập trung; đồng thời xây dựng phương án huy động nhu yếu phẩm thiết yếu, chất khử trùng, khẩu trang y tế cho các địa điểm sơ tán dân; xây dựng phương án ứng phó thiên tai cho các khu cách ly tập trung, bệnh viện... “Huyện Mỹ Đức đã rà soát, chọn được 26 trường học, 2 khách sạn trên địa bàn đủ khả năng chống chịu với thiên tai, đủ diện tích giãn cách phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, đáp ứng nơi ở cho hơn 4.100 người dân vùng thấp trũng đến sơ tán”, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh cho biết.

Hiện tại, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố cũng đã lập danh sách hộ dân có khả năng phải sơ tán và thành lập lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai, dịch bệnh tại chỗ. “Ngoài tuyên truyền các quy định của thành phố về giãn cách xã hội, phòng, chống dịch Covid-19, xã Nam Phương Tiến còn đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, khuyến cáo, hướng dẫn người dân gia cố nhà cửa phòng, chống dông, lốc, gió giật mạnh...”, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) Nguyễn Văn Đông nói.

Nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo đảm an toàn dịch bệnh, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin thời tiết, cảnh báo thiên tai; chủ động xây dựng, nâng cấp, gia cố nhà cửa bảo đảm an toàn; tìm hiểu, nắm bắt trước các tuyến đường sơ tán đến nơi an toàn khi có tình huống khẩn cấp và chuẩn bị các nhu yếu phẩm cho gia đình trong ít nhất 1 tuần...

Kim Nhuệ