Kinh tế Hàn Quốc trong làn sóng dịch Covid-19 thứ tư: Nhiều khó khăn ở phía trước
Thế giới - Ngày đăng : 21:41, 17/08/2021
Theo Thông tấn xã Yonhap (Hàn Quốc), báo cáo đánh giá kinh tế hằng tháng của Viện Nghiên cứu phát triển Hàn Quốc (KDI), nền kinh tế lớn thứ tư châu Á đang trên đà phục hồi trong bối cảnh xuất khẩu tăng. Xuất khẩu - vốn chiếm một nửa nền kinh tế xứ Kim chi, trong tháng 7-2021 đã tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2020, lên mức cao kỷ lục 55,4 tỷ USD và đánh dấu tháng thứ chín tăng liên tiếp.
Với dấu hiệu về sự phục hồi này của nền kinh tế, Chính phủ Hàn Quốc đặt mục tiêu năm 2021 tăng trưởng trên 4%, đồng thời hoạch định các biện pháp kích thích kinh tế tích cực cho những tháng cuối năm, trong khi Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) liên tục đưa ra tín hiệu sẽ tăng lãi suất. Động thái này phản ánh niềm tin về sự phục hồi kinh tế và cuộc khủng hoảng Covid-19 dường như đã được kiểm soát sau khi Hàn Quốc bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng diện rộng.
Tuy nhiên, theo kênh tin tức CNBC (Mỹ), từ đầu tháng 7, Hàn Quốc đã phải “vật lộn” với làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư khi số ca mắc mới hằng ngày của nước này luôn trên 1.000 ca trong suốt hơn một tháng qua và vẫn tiếp tục tăng. Trong bối cảnh đó, quốc gia này đã phải thực hiện các biện pháp giãn cách cấp độ 4 (mức cao nhất) ở thủ đô Seoul trong khi những vùng phụ cận đều giãn cách ở cấp độ 2, nhằm ngăn chặn sự gia tăng các ca mắc mới.
Chính phủ cho biết, làn sóng lây nhiễm hiện tại vẫn chưa đạt đến đỉnh điểm. Cuối tuần trước, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo Kyum đã kêu gọi người dân giảm thiểu việc đi du lịch trong kỳ nghỉ hè và yêu cầu các công ty thể hiện sự linh hoạt trong việc cho phép nhân viên làm việc tại nhà khi dịch Covid-19 ngày càng trầm trọng. Cũng vì thế, báo cáo mới đây của KDI cho thấy, chỉ số đo lường kỳ vọng của người tiêu dùng đã giảm trong tháng 7, đánh dấu sự sụt giảm đầu tiên kể từ tháng 12 năm ngoái.
“Theo truyền thống, quý III hằng năm là thời điểm Hàn Quốc chứng kiến sự gia tăng của tiêu dùng bán lẻ và nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, tiêu dùng tư nhân hiện tại có dấu hiệu thu hẹp do sự bùng phát trở lại của đại dịch, gây khó khăn cho nền kinh tế”, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Hyundai Joo Won nhận định.
Thực tế, kinh tế Hàn Quốc đang có những dấu hiệu suy giảm mạnh, thể hiện qua các khoản chi trả bảo hiểm thất nghiệp hằng tháng lên tới hơn 1.000 tỷ won (863,6 triệu USD) tháng thứ sáu liên tiếp. Thị trường việc làm trong các phân khúc dịch vụ trực tiếp bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng đại dịch mới.
Dù vậy, cuối tháng 7, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nâng triển vọng tăng trưởng của Hàn Quốc lên 4,3% trong năm nay và 3,4% trong năm 2022, cao hơn mức 3,6% và 2,8% ước tính hồi tháng 4, bất chấp những lo ngại về tác động của làn sóng lây nhiễm thứ tư.
Còn theo dự báo của BOK, chương trình tiêm chủng diện rộng có thể nâng tốc độ tăng trưởng kinh tế của năm nay từ 3,4% lên 4,0%, với điều kiện tốc độ tăng trưởng của nước này trong các quý III và IV đều vượt quá 0,6%. Song, nếu cuộc khủng hoảng Covid-19 kéo dài, tốc độ tăng trưởng có thể hạ xuống 3,4%. Điều quan trọng là việc thực hiện giãn cách xã hội hiện tại sẽ tiếp tục trong bao lâu, khi đây là yếu tố có tác động tiêu cực rất lớn đến tiêu dùng cá nhân. Trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát, sự phục hồi kinh tế được duy trì, Hàn Quốc có thể hướng tới mục tiêu tăng trưởng 4% trong năm nay.