Bảo đảm an ninh lương thực trong mọi tình huống thiên tai, dịch bệnh
Nông nghiệp - Ngày đăng : 19:07, 17/08/2021
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản ở các tỉnh phía Nam ổn định, lúa hè thu đã thu hoạch là 820 nghìn ha; năng suất đạt 56,7 tạ/ha; sản lượng 4.645 nghìn tấn. Nguồn cung sản phẩm chăn nuôi duy trì đa dạng, không có biến động. Trong đó, nguồn cung thịt lợn và trứng gia cầm tốt, cung ứng đủ cho hệ thống siêu thị, các mặt hàng thịt đông lạnh nhập khẩu vẫn được các doanh nghiệp nhập khẩu theo nhu cầu thị trường. 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm thủy sản của cả nước sản xuất khoảng 84% sản lượng tôm, 100% sản lượng cá tra, tình hình con giống, thức ăn và vật tư thủy sản ổn định.
Về tình hình kết nối cung - cầu và tiêu thụ sản phẩm, tính đến chiều 17-8, đã có tổng số 1.166 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký qua Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó, rau, củ 317 đầu mối; trái cây 302 đầu mối; thủy, hải sản - chăn nuôi 423 đầu mối; lương thực 72 đầu mối; các mặt hàng khác 52 đầu mối.
Trang web kết nối cung - cầu sản phẩm tại địa chỉ htx.cooplink.com.vn đã giúp đẩy nhanh tiến độ kết nối mua bán nông sản. Đặc biệt, Bộ đã ứng dụng mạng Zalo và email vào việc gửi thông tin đầu mối cung cấp đến tiểu thương tại các chợ: Thủ Đức, Bình Điền và Hóc Môn của thành phố Hồ Chí Minh.
Số liệu sơ bộ mỗi ngày, Tổ công tác 970 kết nối tiêu thụ thành công hơn 40 đơn hàng, sản lượng 200-400 tấn, chủ yếu là khoai lang, chuối, nhãn, dừa uống nước, thủy sản...
Để bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa, nông sản cho các tỉnh, thành phố phía Nam trong thời gian giãn cách xã hội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch chi tiết, thích ứng tình hình dịch bệnh, thị trường và khí tượng thủy văn, bảo đảm an ninh lương thực trong mọi tình huống thiên tai, dịch bệnh. Cùng với đó, tập trung chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản cây ăn trái, chủ động rải vụ thu hoạch; xây dựng kế hoạch phục hồi sản xuất rau màu chuẩn bị cho dịp cuối năm; hạn chế tình trạng khan hiếm rau, củ, quả phục vụ sinh hoạt tại địa phương; bảo đảm đủ hàng hóa cung cấp cho thời điểm bình thường mới.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và lùi thời gian đóng thuế thu nhập cho các doanh nghiệp sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi, chế biến, giết mổ, trang trại trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; miễn hoặc giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học xử lý môi trường, thiết bị chuồng trại chăn nuôi... nhằm giảm giá thành sản xuất.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại chăn nuôi, giết mổ gia súc áp dụng "3 tại chỗ" với mức hỗ trợ 50% chi phí; hỗ trợ các đơn vị chi phí mua vật tư sản xuất chăn nuôi; mức hỗ trợ bằng 20% chi phí đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác; 30% chi phí đối với hộ nông dân. Thời gian hỗ trợ từ ngày 1-9-2021 đến 31-12-2021.