Hai Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn giám sát chuyên đề
Chính trị - Ngày đăng : 17:44, 17/08/2021
Trình bày dự thảo Nghị quyết thành lập hai đoàn giám sát, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Nghị quyết về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề về thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 phân công Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm Trưởng đoàn; Nghị quyết về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề về thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1-7-2016 đến ngày 1-7-2021 phân công Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương làm Trưởng đoàn.
Dự thảo các Nghị quyết bao gồm 4 điều. Trong đó quy định danh sách thành viên và đại biểu mời tham gia giám sát; phạm vi đối tượng, nội dung giám sát; phân công thực hiện và hiệu lực thi hành.
“Sau khi Chủ tịch Quốc hội ký ban hành các Nghị quyết, đoàn giám sát sẽ phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội xây dựng kế hoạch, đề cương giám sát cụ thể báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tiếp theo”, đồng chí Bùi Văn Cường nói.
Thảo luận về dự thảo các nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, danh sách thành viên đoàn giám sát cần tránh việc một đồng chí phải tham gia nhiều đoàn giám sát. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị mời Ban Tổ chức Trung ương tham gia Đoàn giám sát chuyên đề về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.
“Công tác giám sát quan trọng nhất là việc lập đề cương, làm đề cương tốt thì giám sát coi như đã hoàn thành 50%. Sau khi lập đề cương giám sát, các đoàn cần gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, sau đó mới tiếp tục triển khai”, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Tổng Thư ký Quốc hội tiếp thu các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện hai dự thảo Nghị quyết. Trong đó, cần chú ý phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trung ương và địa phương để tạo sức mạnh trong thực hiện giám sát; thành viên các đoàn giám sát của Quốc hội không được trùng lặp; mời các chuyên gia, lãnh đạo các cơ quan của Chính phủ tham gia các đoàn giám sát; chủ động xây dựng kế hoạch, đề cương chi tiết báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Với 100% ủy viên có mặt biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua hai dự thảo Nghị quyết về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề về thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021; Nghị quyết về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1-7-2016 đến ngày 1-7-2021.