Những hoàn cảnh ''rơi nước mắt'' và một nửa sự thật
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:54, 18/08/2021
Tất nhiên, tôi không quá lạc quan rằng, ngoài kia không có ai khó khăn, không có người thiếu thốn, nhưng những gì thành phố Hà Nội đang làm, những gì hàng nghìn người dân Hà Nội bình dị nhất đang góp sức mỗi ngày, đủ để tôi có niềm tin rằng, bất cứ ai ở thành phố này khi gặp khó khăn, khi lên tiếng đều sẽ được giúp đỡ kịp thời.
Sáng ngày 17-8, một vài trang thông tin, báo điện tử đã đăng câu chuyện về một số hoàn cảnh khó khăn ngoài sức tưởng tượng của nhiều người tại một dự án xây dựng trên đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông) với tiêu đề: “Lao động nghèo giữa đại dịch ở Thủ đô: Hái rau dại để ăn, 8 người ngày chia nhau 4 suất cơm”. Trong đó, mô tả “những bữa ăn của lao động nghèo ở Thủ đô giữa đại dịch nhiều hôm là trái đu đủ non choẹt rỉ đầy nhựa, hay lá cây xuyến chi (cây cứt lợn)… để ăn và sống tạm cho qua ngày”. Nhưng cuối chiều 17-8, khi tôi tra Google tìm các bài viết này, tất cả đều đã được các trang đăng tải gỡ bài.
Tôi lại nhớ trong cuộc chiến năm ngoái của thành phố với đại dịch Covid-19, cũng có không ít thông tin phản ánh về những hoàn cảnh “rơi nước mắt” như vậy, và sau đó, qua xác minh đã khẳng định thông tin sai sự thật.
Bài viết sáng qua cũng vậy. Ngay khi các thông tin đó được đăng tải, chính quyền địa phương đã xác minh và thông tin đầy đủ về từng trường hợp được phản ánh: Bà Táo, người phải hái lá xuyến chi để ăn gần một tuần nay, từ đầu giãn cách đến giờ (24-7 đến 11-8) mới được 2 bữa cơm duy nhất có thịt…, qua xác minh của địa phương, bà có 2 căn nhà, điều kiện gia đình bà ở mức trung bình, thời điểm này, gia đình bà cũng chưa cần đến sự hỗ trợ của các ban, ngành. Nhà bà cách khu vực dự án chưa đến 1km, đi lại thuận tiện, nhưng vì tình cảm riêng, bà xin tự nguyện ở lại trông coi công trường thi công đang phải tạm dừng hoạt động do giãn cách xã hội, không có việc dự án thuê bà làm bảo vệ mà không trả lương, bà vẫn đi về giữa công trường và nhà mình.
Với nhóm công nhân xây dựng dự án bị mắc kẹt do dịch và khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc các công nhân không về quê, chủ đầu tư, nhà thầu dự án đã cam kết thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố. Chủ đầu tư và nhà thầu đã chủ động hỗ trợ mỗi công nhân 50.000 đồng/ngày/người với tổng số 427 công nhân, duy trì liên tục từ khi bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội cho tới khi kết thúc giãn cách xã hội. Đồng thời, địa phương đã phối hợp với chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng gặp gỡ, động viên kip thời, chia sẻ khó khăn và tặng lương thực (gạo, trứng) cho toàn bộ công nhân dự án. Thực tế, số công nhân này vẫn bảo đảm cuộc sống, sinh hoạt, không khó khăn đứt bữa như một số báo phản ánh.
Chừng đó thông tin có lẽ đã lý giải tại sao bài viết sáng qua đã được những đơn vị đăng tải “lặng lẽ” rút khỏi trang.
Trong lúc cả nước cần dồn sức nhiều nhất, với sự nỗ lực nhiều nhất từ từng người dân cho công cuộc chống dịch thì những thông tin không chuẩn xác, những bài viết thổi phồng, phiến diện… không chỉ gây tâm tư, mà còn là sự tổn thương với thành phố, với cả hệ thống chính trị, với hàng trăm nghìn người đang hằng ngày, hằng giờ nỗ lực hết mình vì cộng đồng, để không ai bị bỏ lại phía sau, không ai đói cơm, đứt bữa...
Hà Nội có thể không phải là địa phương đầu tiên chi trả tiền theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng chắc chắn là địa phương đang nỗ lực hết mình để thực hiện các nghị quyết này một cách chu toàn nhất.
Cùng với gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ, Hà Nội còn bổ sung các chính sách đặc thù khác, nhằm hỗ trợ cấp bách cho các trường hợp khó khăn với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng. Điều này được quy định chi tiết tại Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21-7-2021 của UBND thành phố về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Một trong các vướng mắc lớn khi thực hiện chi trả cho nhóm lao động tự do theo các nghị quyết, quyết định trên là một số địa phương gặp khó khăn trong việc xác định đối tượng thụ hưởng do toàn thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội, thì ngày 13-8, UBND thành phố đã có Công văn số 2644/UBND hướng dẫn các địa phương tiếp nhận hồ sơ của nhóm này bằng nhiều hình thức (trực tiếp, qua bưu điện, email...).
Ngoài các chương trình, hoạt động hỗ trợ an sinh xã hội đã, đang triển khai, HĐND thành phố ngày 13-8 vừa qua đã ban hành thêm 3 nghị quyết đặc thù hỗ trợ các trường hợp ảnh hưởng do dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố với kinh phí hàng trăm tỷ đồng; đồng thời thống nhất với đề xuất của UBND thành phố bổ sung nguồn vốn ngân sách thành phố năm 2021, ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố để cho vay đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với số tiền là 500 tỷ đồng…
Ngày 14-8, UBND thành phố tiếp tục có Văn bản số 2647/UBND-KGVX về việc hỗ trợ người lao động ngoại tỉnh không có nơi cư trú trong thời gian giãn cách xã hội, trong đó yêu cầu các địa phương rà soát, bố trí nơi ở tạm thời để đưa người lao động ngoại tỉnh gặp khó khăn, không có nơi cư trú đến tạm trú; xây dựng phương án đưa họ về quê khi đủ điều kiện; huy động nguồn lực xã hội hóa và các nguồn vận động hợp pháp khác để hỗ trợ các đối tượng lao động ngoại tỉnh không đủ điều kiện hưởng hỗ trợ theo một số chính sách hỗ trợ an sinh xã hội đang triển khai trên địa bàn Hà Nội.
Cùng với sự nỗ lực của thành phố, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp… cũng đang hằng ngày, hằng giờ chung tay bảo đảm an sinh cho mỗi người dân sinh sống tại Hà Nội một cách tốt nhất. Trong đó, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tại các địa phương đóng vai trò nòng cốt, là cầu nối tổ chức vận động và tiếp nhận lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng do dịch.
“Dù bạn là ai, có hộ khẩu hay tạm trú ở Hà Nội, các bạn đều được giúp đỡ. Nếu bạn gặp khó khăn mà chưa được giúp đỡ hãy liên hệ với chúng tôi. Nếu bạn thấy có tiêu cực trong việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn hãy liên hệ với chúng tôi. Chúng ta hãy cùng nhau đoàn kết để sớm vượt qua đại dịch” - đó là thông tin được treo ngay đầu trang Facebook “Đoàn kết chống dịch” của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, kèm theo đó là danh sách các đầu mối, các số điện thoại, người liên hệ theo từng địa phương để bạn có thể liên hệ; thông tin về các hoạt động hỗ trợ đang được triển khai mỗi ngày ở từng khu phố… Và một trong những hoạt động được thực hiện xuyên suốt những ngày qua, trên mọi nẻo đường Thủ đô, đó là những chuyến xe buýt siêu thị 0 đồng của Liên đoàn Lao động thành phố, mang hàng chục nghìn phần quà tới trao tận tay những người lao động gặp khó khăn.
Hoặc nếu muốn tham khảo những nhóm trợ giúp cộng đồng, ghé trang Facebook "Hà Nội giúp nhau mùa dịch”, “Hà Nội ơi, giúp nhau mùa dịch”…, sẽ thấy những địa chỉ, chương trình giúp đỡ được cập nhật hằng giờ. Và các nhóm đều đang hỗ trợ nhu yếu phẩm thông qua chính quyền địa phương, không tổ chức các hoạt động từ thiện tự phát để vừa bảo đảm món quà hỗ trợ đến được đúng người cần, vừa giữ an toàn phòng dịch cao nhất.
Còn nếu dùng Zalo, hãy bật chức năng kết nối cứu trợ Covid để có thể tìm kiếm những trường hợp cần giúp đỡ xung quanh mình với những thông tin rất cụ thể và cũng có thể đăng tải thông tin về hoàn cảnh của mình nếu bạn gặp khó. Rất nhiều tấm lòng đang sẵn sàng chung tay chia sẻ.
Và dù ở bất cứ đâu, và nếu không có phương tiện hiện đại để kết nối với thế giới mạng, hãy nhớ, các tổ dân phố đều có các nhóm trợ giúp, đều có người luôn sẵn sàng tiếp nhận thông tin để hỗ trợ người dân kịp thời.
Hà Nội vẫn luôn ân tình và sâu lắng như vậy...
Tôi tự hào với Hà Nội của tôi trong cuộc chiến với dịch Covid-19 hiện tại. Tôi tự hào với những người Hà Nội xung quanh tôi, trong những ngày gian khó này, không có những sự giúp đỡ "ồn ào" trên báo chí hay mạng xã hội, nhưng một bàn tay chìa ra, sẽ luôn có một bàn tay nắm lấy…
Càng lúc khó khăn, chúng ta càng cần tới sự tương trợ nhau và càng cần tới niềm tin, trong đó, niềm tin vào con người, vào sự tốt đẹp luôn là động lực lớn nhất để chúng ta vượt qua và chiến thắng trong những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất. Và thông tin, và báo chí, chính là một trong những suối nguồn quan trọng của niềm tin ấy. “Một nửa cái bánh mì thì vẫn là bánh mì; nhưng một nửa sự thật thì không thể là sự thật được" - vì vậy, sự trung thực không chỉ là nghĩa vụ, mà còn là trách nhiệm và lương tâm, đạo đức của mỗi người cầm bút trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Đến nay, thành phố Hà Nội đã có quyết định hỗ trợ an sinh xã hội cho hơn 1,5 triệu lao động, với số tiền gần 194 tỷ đồng theo nội dung Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 3642/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội. Trong đó, số tiền đã chi trả đến người thụ hưởng là hơn 181 tỷ đồng. Tính đến cuối ngày 16-8, toàn thành phố đã có quyết định hỗ trợ cho hơn 14.600 lao động tự do với kinh phí gần 22 tỷ đồng (1,5 triệu đồng/người). Trong đó, có hơn 7.600 người đã nhận tiền hỗ trợ với số tiền đã chi trả là hơn 11,4 tỷ đồng.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng đã hỗ trợ cho gần 9.000 trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế với kinh phí hơn 12 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 2.300 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương với số tiền hơn 6,5 tỷ đồng, trong đó hơn 1.900 người đã nhận tiền.
Ngoài chính sách chung, các sở, ngành, địa phương, các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn thành phố tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ đặc thù, nhằm bảo đảm đời sống, an sinh cho người dân, người lao động không thuộc đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ. Số tiền đã hỗ trợ cho các đối tượng này tới hàng trăm tỷ đồng, giúp hàng vạn lượt người, hộ gia đình có thêm nguồn lực để vượt qua giai đoạn khó khăn.