Dự kiến hai phương án tổ chức kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV

Chính trị - Ngày đăng : 11:32, 18/08/2021

(HNMO) - Sáng 18-8, tiếp tục chương trình phiên họp thứ hai, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về tổng kết kỳ họp thứ nhất và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên thảo luận.

Có thể họp trực tuyến cả kỳ

Báo cáo tổng kết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, sau 9 ngày làm việc, kỳ họp thứ nhất đã kết thúc rất tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra, bảo đảm an toàn tuyệt đối, tạo sự lan tỏa tích cực... Về việc chuẩn bị kỳ họp thứ hai, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, Văn phòng Quốc hội đề xuất hai phương án tổ chức.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo tại phiên họp.

Trường hợp dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Quốc hội sẽ họp trực tuyến cả kỳ họp. Dự kiến, tổng thời gian làm việc là 17 ngày và 1 ngày dự phòng (Quốc hội làm việc 1 ngày thứ bảy); phiên trù bị và khai mạc ngày 20-10, bế mạc ngày 10-11-2021. Với phương án này, dự kiến chia đại biểu Quốc hội tham gia 73 tổ thảo luận, trong đó khoảng 200 đại biểu Quốc hội ở trung ương chia thành 10 tổ họp tại Nhà Quốc hội; các đại biểu Quốc hội ở địa phương chia 1 tổ/1 địa phương.

Nếu dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, Quốc hội sẽ họp thành 2 đợt, họp trực tuyến kết hợp họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Đợt 1 họp trực tuyến 11 ngày (từ ngày 20-10 đến 2-11-2021) có bố trí thảo luận ở tổ như phương án trên; đợt 2 họp tập trung 6 ngày (từ ngày 4-11 đến 10-11-2021). Dự kiến, Quốc hội làm việc 17 ngày và dự phòng 1 ngày (làm việc 2 ngày thứ bảy).

Về nội dung kỳ họp thứ hai, Quốc hội dự kiến dành 6 ngày để xem xét thông qua 2 dự án luật; xem xét, cho ý kiến 5 dự án luật; xem xét thông qua Nghị quyết về Định hướng công tác lập pháp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Bên cạnh đó, Quốc hội dự kiến dành 9 ngày để xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác, trong đó có nội dung chất vấn và trả lời chất vấn.

Kỳ họp thứ hai phải tốt hơn kỳ họp thứ nhất

Thảo luận về các báo cáo, đa số ý kiến Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao công tác tổ chức kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Trong đó nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã theo sát thực tế, chỉ đạo rất sát sao, quyết liệt; các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan liên quan đã phối hợp nhịp nhàng, chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng để tổ chức thành công kỳ họp.

Cho ý kiến vào việc chuẩn bị kỳ họp thứ hai, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, trước diễn biến dịch bệnh như hiện nay, nên tổ chức kỳ họp theo phương án trực tuyến cả kỳ để bảo đảm thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh lại đề nghị tổ chức kết hợp họp tập trung và họp trực tuyến để đại biểu Quốc hội trực tiếp bày tỏ ý kiến của mình tại nghị trường. Bên cạnh đó, nhiều đoàn đại biểu Quốc hội chỉ có vài đại biểu ở địa phương nên việc thảo luận tổ sẽ nảy sinh bất cập.

“Nếu dịch bệnh Covid-19 vẫn phức tạp thì chúng ta nên cân nhắc chưa đưa nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai để các thành viên Chính phủ ưu tiên thời gian, công sức cho nhiệm vụ phòng, chống dịch”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề xuất.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị bổ sung phương án dịch bệnh được kiểm soát tốt thì toàn bộ kỳ họp sẽ được tổ chức tập trung. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tăng thời gian dự kiến của kỳ họp lên 20 ngày, bởi có một số nội dung đang tiếp tục được xem xét đưa vào kỳ họp. Trường hợp tổ chức kỳ họp kết hợp, giữa hai đợt cần có thời gian dài hơn để các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện các nội dung phục vụ kỳ họp tập trung.

Về nội dung kỳ họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường và Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đều kiến nghị đưa nội dung thực hiện các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020 vào thảo luận tại kỳ họp. Bởi bảo hiểm xã hội là quỹ tài chính có số dư lớn (gần 935.174 tỷ đồng), phải được quản lý chặt chẽ, đúng mục đích, đúng nguyên tắc và tuân thủ theo luật định.

Kết luận nội dung thảo luận, nhấn mạnh kỳ họp thứ hai phải tốt hơn kỳ họp thứ nhất, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ chủ động phối hợp chuẩn bị sớm, bảo đảm chất lượng các nội dung kỳ họp. Về các phương án tổ chức kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc chuẩn bị các phương án, bên cạnh bảo đảm các quy định phòng, chống dịch, cũng là cơ hội đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị phương án họp tập trung kết hợp họp trực tuyến cần được ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, trường hợp dịch bệnh phức tạp thì có thể tổ chức trực tuyến toàn bộ kỳ họp, dịch bệnh được khống chế thì Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội.

Tiến Thành