Phụ nữ mang thai nhiễm Covid-19 có ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi?
Xã hội - Ngày đăng : 11:51, 19/08/2021
Phụ nữ mang thai nhiễm Covid-19 dễ bị nặng hơn
Bộ Y tế vừa có Quyết định số 3982/QĐ-BYT 2021 về việc ban hành hướng dẫn tạm thời dự phòng và xử trí Covid-19 do chủng vi rút SARS-CoV-2 ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh.
Theo đó, cho đến thời điểm này, nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, khả năng lây nhiễm vi rút SARS CoV-2 qua bánh rau trong quá trình mang thai là rất thấp.
Cụ thể, các nghiên cứu từ Trung Quốc, Mỹ cho thấy, phần lớn các mẫu xét nghiệm nước ối, máu cuống rốn, rau thai, dịch âm đạo và sữa mẹ của phụ nữ mang thai nhiễm Covid-19 cho kết quả âm tính với vi rút SARS-CoV-2.
Ngoài ra, hầu hết kết quả xét nghiệm dịch mũi/họng hầu được lấy ngay sau sinh ở trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm Covid-19 cũng cho kết quả âm tính với vi rút. Đường lây truyền qua giọt bắn được cho là đường lây truyền chính khi trẻ tiếp xúc với người chăm sóc nhiễm SARS-CoV-2.
Các dữ liệu hiện nay cũng cho thấy, nguy cơ mắc bệnh thể nặng ở phụ nữ mang thai nhiễm Covid-19 có triệu chứng cao hơn so với nhóm phụ nữ không mang thai. Mặc dù, nguy cơ mắc bệnh thể nặng thấp nhưng các dữ liệu hiện nay chỉ ra rằng, nguy cơ nằm ở khoa chăm sóc tích cực, thở máy và hỗ trợ thông khí (ECMO) và tử vong ở phụ nữ mang thai nhiễm Covid-19 có triệu chứng cao hơn so với nhóm phụ nữ không mang thai có triệu chứng.
Đối với thai nhi, không có bằng chứng nào chứng minh có mối liên quan giữa những bệnh này và các dị tật bẩm sinh. Tuy nhiên, viêm phổi do vi rút ở phụ nữ mang thai có liên quan đến tăng nguy cơ sinh non, thai chậm phát triển và tử vong chu sinh...
Nghiên cứu tổng hợp từ báo cáo khoa học ở nhiều quốc gia với gần 7.500 trẻ em, trong đó có 25 trẻ sơ sinh nhiễm SARS-CoV-2 cho thấy, đa phần trẻ có triệu chứng vừa và nhẹ, khoảng 2% trẻ cần nhập vào đơn vị hồi sức tích cực và tỷ lệ tử vong là 0,08%.
Nghiên cứu tổng hợp từ 74 báo cáo trên 176 trẻ sơ sinh nhiễm SARS-CoV-2, có 5,1% trẻ cần hồi sức sau sinh, 38% trẻ được nhập vào đơn vị hồi sức tích cực. Tuy vậy, phần lớn những trẻ này bị cách ly theo quy trình mà không phải do bệnh nguy kịch cần chăm sóc tích cực. Thời gian trung bình nằm tại đơn vị hồi sức là 8 ngày. Trẻ sơ sinh nhiễm SARS-CoV-2 có thể có các triệu chứng sốt, li bì, ho, thở nhanh, thở gắng sức, ngưng thở, nôn, tiêu chảy và bú kém. Một số triệu chứng rất khó phân biệt với các bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh.
Trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm Covid-19 phải được xét nghiệm 4 lần
Hiện chưa có bằng chứng khoa học cho thấy, việc cách ly mẹ con làm giảm nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 cho trẻ sơ sinh. Do đó, theo khuyến cáo của WHO là duy trì cái ôm đầu tiên ngay sau sinh, chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm và bú mẹ hoàn toàn giúp giảm biến chứng bệnh tật và tử vong cho bà mẹ và trẻ em.
Theo hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế, bà mẹ và trẻ sơ sinh cần được thực hiện da kề da ngay sau đẻ, được ở cùng phòng cả ngày lẫn đêm nếu tình trạng sức khỏe mẹ cho phép và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ trong vòng 90 phút sau đẻ. Đối với trẻ sinh non và nhẹ cân, thực hiện chăm sóc trẻ bằng phương pháp Kangaroo, cùng với việc thực hiện các biện pháp phòng, chống lây truyền cần thiết.
Cũng theo hướng dẫn tạm thời này của Bộ Y tế, bà mẹ và người nhà cần được tư vấn về lợi ích của việc da kề da và bú sữa mẹ vượt trội hơn so với những nguy cơ có thể của việc lây truyền Covid-19. Đồng thời, cần tư vấn trước sinh cách dự phòng việc lây lan vi rút cho trẻ khi tiếp xúc gần bao gồm: Đeo khẩu trang y tế bất cứ khi nào tiếp xúc với trẻ, kể cả khi cho trẻ bú mẹ; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch ít nhất 20 giây hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh có ít nhất 60% cồn; thường xuyên làm sạch và khử trùng các bề mặt bằng dung dịch sát khuẩn...
Bà mẹ nhiễm Covid-19 không triệu chứng, thể nhẹ và trung bình, cơ sở y tế thực hiện quy trình chăm sóc sơ sinh thiết yếu và chăm sóc thường quy như mọi trẻ em khác. Tùy tình hình, địa phương bố trí trẻ riêng phòng hoặc nằm cách mẹ 2m, nhân viên y tế hỗ trợ mẹ cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn.
Bà mẹ mức độ nặng hơn, nhân viên y tế có thể hỗ trợ mẹ vắt sữa cho trẻ hoặc sử dụng sữa thanh trùng từ ngân hàng sữa mẹ nếu không thể vắt sữa mẹ. Khi mẹ ổn định, trẻ cần được ở chung phòng với mẹ và được bú mẹ sớm.
Theo hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế, với phụ nữ mang thai nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19, ưu tiên điều trị Covid-19 trước, chỉ can thiệp sản khoa khi có triệu chứng cấp cứu về sản khoa hoặc khi tình trạng mẹ nặng cần hội chẩn các chuyên khoa liên quan. Thầy thuốc cân nhắc sử dụng thuốc kháng vi rút, thuốc kháng đông và các loại thuốc khác cho thai phụ nhiễm Covid-19 theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế.
Đặc biệt lưu ý, thai phụ nhiễm Covid-19, kể cả đã khỏi thì vẫn phải quản lý thai 2 - 4 tuần/lần nhằm phát hiện sớm những trường hợp tiền sản giật, thai chậm phát triển trong tử cung, dọa đẻ non hoặc đẻ non.
Với trẻ được sinh ra từ người mẹ nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 thì phải làm xét nghiệm chẩn đoán, cụ thể: Xét nghiệm lần 1 từ 2 - 24 giờ tuổi; vị trí lấy mẫu: họng hoặc mũi; xét nghiệm lần 2 lúc 48 giờ tuổi; xét nghiệm lần 3 và lần 4 lúc 7 và 14 ngày tuổi.
Với trẻ tiếp xúc gần với người mắc Covid-19 hoặc mẹ mắc Covid-19 sau khi sinh thì xét nghiệm, chẩn đoán và theo dõi như người lớn. Ở những nơi điều kiện hạn chế, nên ưu tiên xét nghiệm cho trẻ sơ sinh có triệu chứng do Covid-19 cũng như trẻ sơ sinh phơi nhiễm SARS-CoV-2 cần chăm sóc tại đơn vị hồi sức hoặc những trẻ dự kiến phải nhập viện kéo dài.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.