Hàng giả, hàng lậu chuyển ngược từ phía Nam ra Bắc
Kinh tế - Ngày đăng : 16:41, 05/01/2023
Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) diễn ra chiều 5-1, tại Hà Nội .
Báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, trong năm 2022, cung đường vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ thay đổi, chuyển hướng và lắt léo hơn. Bởi ở phía Bắc, nước bạn Trung Quốc kiểm soát chặt khu vực biên giới nên tình trạng hàng lậu vận chuyển qua đường mòn, lối mở, khu vực đồi núi giáp biên hầu như không có. Thay vào đó, hàng lậu, hàng giả chuyển hướng đi theo các cửa khẩu tại miền Trung, Tây Nam Bộ, thậm chí còn vận chuyển ngược ra phía Bắc.
Trong khi đó, tại thị trường nội địa, qua công tác kiểm tra tại một số địa phương như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Bình Dương..., tình trạng vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn ngày càng khó phát hiện. Hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn được bày bán tại các tuyến phố, chợ truyền thống và tại các trung tâm thương mại lớn.
Điển hình, thời gian gần đây, lực lượng quản lý thị trường đã đồng loạt kiểm tra Trung tâm thương mại Sài Gòn Square, chợ Tân Thành tại thành phố Hồ Chí Minh, phát hiện, thu giữ hàng trăm nghìn sản phẩm tiêu dùng có dấu hiệu giả các thương hiệu nổi tiếng; 5 kho chứa và xưởng sản xuất, pha chế hàng chục nhãn hiệu dầu gội, sữa tắm giả các thương hiệu với số lượng lớn ở huyện Bình Chánh...
Đặc biệt, năm 2022, vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu gia tăng do tác động của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine... Lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, tổ chức giám sát hơn 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu (đạt 100% cửa hàng) và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu trong bối cảnh nguồn cung và giá xăng dầu có nhiều biến động.
Tính chung cả năm 2022, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thanh, kiểm tra 70.902 vụ; phát hiện, xử lý 43.989 vụ vi phạm (tăng 6% so với cùng kỳ năm 2021); chuyển cơ quan điều tra 127 vụ việc có dấu hiệu tội phạm (giảm 24% so với cùng kỳ năm 2021). Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước trên 490 tỷ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021). Trị giá hàng tịch thu gần 96 tỷ đồng, trị giá hàng hóa áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy hơn 19 tỷ đồng.
“Với những giải pháp, đồng bộ, quyết liệt, trong năm 2022, trật tự thị trường cơ bản được bảo đảm, không xảy ra những vụ việc nổi cộm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả”, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường nêu rõ.
Tuy nhiên, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cũng thẳng thắn nhìn nhận, năm qua, công tác phối hợp giữa Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố chưa thực sự hiệu quả. Một số công chức quản lý thị trường vi phạm nội quy, quy chế của cơ quan, vi phạm pháp luật đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, hàng cấm, hàng giả trên thị trường ở nhiều nơi, đặc biệt là ở một số địa bàn trọng điểm chưa cao…
Do đó, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh, năm 2023, lực lượng quản lý thị trường đặt mục tiêu, thay đổi toàn diện phương thức làm việc; chủ động giám sát, ưu tiên phòng ngừa, trở thành lực lượng phản ứng nhanh, hoạt động hiệu quả 24/7 mọi lúc, mọi nơi. Đồng thời, tập trung phòng, chống và xử lý hàng giả, gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử; thực hiện chuyển đổi số toàn diện, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý địa bàn tập trung. Lực lượng tiếp tục siết chặt kỷ luật công vụ, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý đơn vị, hướng đến mục tiêu cấp đội là hạt nhân trong việc xây dựng người quản lý thị trường chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại.
Ngoài ra, lực lượng cũng tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra công vụ đột xuất đối với công chức, từng đơn vị trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường; xử lý nghiêm công chức vi phạm, đặc biệt là hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa.