Sôi động khuyến mãi dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023
Kinh tế - Ngày đăng : 18:56, 05/01/2023
Sở Công Thương chủ động
Theo Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, khoảng 12 triệu người dân thành phố và du khách sẽ đón năm mới tại thành phố Hồ Chí Minh. Sở Công Thương đã phối hợp với các doanh nghiệp bình ổn thị trường, hệ thống phân phối chuẩn bị nguồn hàng, cung ứng kịp thời, đầy đủ theo nhu cầu thị trường.
Cụ thể, doanh nghiệp bình ổn thị trường chiếm 25% - 43% nhu cầu thị trường (tăng 10% so với tháng thường). Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, hệ thống phân phối, chợ… chiếm 57% - 75% nhu cầu thị trường. Tổng giá trị lượng hàng hóa chuẩn bị cho 2 tháng dịp Tết năm nay là 20.000 tỷ đồng, trong đó có 8.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường. Riêng tháng cao điểm Tết (từ ngày 1 đến ngày 30 tháng Chạp Âm lịch), các doanh nghiệp đã chuẩn bị 12.000 tỷ đồng hàng hóa, trong đó 4.200 tỷ đồng hàng bình ổn thị trường.
Các mặt hàng trong Chương trình bình ổn thị trường sẽ không tăng giá bán 1 tháng trước và sau Tết; giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết với các mặt hàng thiết yếu như: Thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm... Nguồn hàng được bảo đảm từ hơn 1.000 nhà cung ứng từ 42 tỉnh, thành trên cả nước cam kết tham gia chương trình của thành phố.
Hiện lượng nông sản cung ứng thị trường thành phố thông qua 3 chợ đầu mối đạt bình quân 7.600 tấn/ngày, gồm 800 tấn thịt gia súc, gia cầm, 1.200 tấn thủy hải sản, 5.600 tấn rau củ quả. Dự kiến, vào thời điểm cận Tết, lượng hàng nhập về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 13.000 – 15.000 tấn/ngày.
Ngành Công Thương thành phố cũng đã huy động hệ thống bán lẻ rộng khắp gồm 46 trung tâm thương mại, 237 siêu thị, 3.012 cửa hàng tiện lợi tham gia cung ứng hàng hóa cho thị trường. Tổng lượng hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng ra thị trường bình quân 1.800 tấn/ngày. Trước Tết, các siêu thị sẽ mở cửa đến 24h. Sau Tết, nhiều chuỗi bán lẻ khai trương từ 8h sáng ngày 2 Tết, bán đến 12h. Từ ngày 6 Tết, mở cửa bán hàng cả ngày như bình thường.
Doanh nghiệp nhiệt tình
Phục vụ thị trường Tết, hệ thống Saigon Co.op triển khai Chương trình “Khai Tết xanh – Gieo lộc Lành”, tổ chức “Chuyến xe hạnh phúc” đưa người lao động về quê đón Tết, chiết khấu 15% cho hơn 3 triệu giỏ quà Tết; đồng loạt giảm giá nhiều mặt hàng thiết yếu như thịt lợn, gà ta, thịt bò, thủy hải sản, rau củ quả, trái cây…
Trong khi đó, hệ thống Satra chuẩn bị nguồn hàng Tết, chung tay bình ổn thị trường dịp Tết với tổng giá trị lượng hàng hóa lương thực, thực phẩm khoảng 500 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết Nhâm Dần 2022; thực hiện chương trình khuyến mại “Tết sum vầy – Tri ân đong đầy” với nhiều sản phẩm giảm giá lên đến 49% cùng nhiều chương trình hấp dẫn.
Còn hệ thống Go/Top Market triển khai nhiều Chương trình như “Khóa giá thịt lợn tươi”, “Trao quà Tết – Gửi yêu thương”, “Tết Vui khỏe – Giá thật rẻ”, “Tết là Hạnh phúc”… Trong khi đó, hệ thống Bách hóa Xanh triển khai Chương trình "Tết Bách hóa Xanh không lo giá" với tổng mức giá trị khuyến mại lên đến 60 tỷ đồng.
Hệ thống MM Mega Market triển khai Chương trình “Bình ổn giá thịt lợn - Tết nguyên đán 2023”, “Vui Xuân Quý Mão”, “Đón Tết về nhà”… Hệ thống AEON triển khai giảm giá từ 1% đến 50% nhiều mặt hàng Tết với tổng giá trị 72 tỷ đồng. Các hệ thống khác như Emart, Satra, Wincommerce, Gigamall, FPT, Nguyễn Kim, Thế Giới Di Động, Thiên Hòa… triển khai nhiều chương trình khuyến mại Tết...
Ngoài ra, để kịp thời phục vụ người lao động tại các quận ven, huyện ngoại thành, Sở Công Thương thành phố còn tổ chức 4 nhóm doanh nghiệp bán hàng lưu động tập trung. Dự kiến, các nhóm sẽ thực hiện 260 chuyến trong 2 tháng cao điểm trước Tết, đưa hàng đến các khu lưu trú công nhân, các công ty, xí nghiệp đông công nhân, ký túc xá, bệnh viện để phục vụ người lao động có thu nhập thấp, không có điều kiện về quê ăn Tết...