Đồng hành và chia sẻ

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:06, 21/08/2021

(HNM) - Những ngày qua, các cấp Công đoàn thành phố Hà Nội đã phối hợp với các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung hỗ trợ đoàn viên, người lao động đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến đối tượng công nhân thuê trọ, công nhân trong diện cách ly y tế, người lao động tự do không có bảo hiểm xã hội...

Nhiều mô hình rất ý nghĩa, được triển khai rộng khắp có thể kể đến là “Xe buýt siêu thị 0 đồng”, “Gian hàng lưu động 0 đồng”... Nổi bật, từ ngày 24-7-2021 đến 13-8-2021, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã tổ chức 34 chuyến “Xe buýt siêu thị 0 đồng”, vận chuyển gần 16 nghìn "Túi an sinh Công đoàn” gồm lương thực, các nhu yếu phẩm (trị giá 200 nghìn đồng/túi) đến các địa bàn đông công nhân, các khu chế xuất, khu công nghiệp. Qua đó, hỗ trợ kịp thời đoàn viên, người lao động của 467 Công đoàn cơ sở với tổng trị giá hàng hóa là 3,16 tỷ đồng.

Dịch Covid-19 hiện vẫn diễn biến khó lường, do đó, đời sống của người lao động trên địa bàn Thủ đô những ngày tới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Đây chính là lúc đòi hỏi tinh thần đoàn kết, đồng hành và sẻ chia hơn bao giờ hết. Theo đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức Công đoàn và hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở cần triển khai tốt Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 13-8-2021 của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội quy định một số chính sách đặc thù của thành phố hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 liên quan đến đoàn viên Công đoàn. Tổ chức Công đoàn tiếp tục là nòng cốt, phối hợp cùng người sử dụng lao động nắm bắt chính xác đời sống đoàn viên, người lao động để tư vấn cho chính quyền hỗ trợ kịp thời, đầy đủ và đúng đối tượng.

Tổ chức Công đoàn cũng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; chia sẻ khó khăn với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Ngoài ra, ưu tiên nguồn tài chính Công đoàn và huy động từ nguồn xã hội hóa để tăng cường các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp bằng kinh phí, các nhu yếu phẩm cho đoàn viên, người lao động bị mất việc làm, thiếu việc làm do dịch bệnh, nhất là người lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp tập trung, công nhân lao động ở các khu nhà trọ đang phải nghỉ việc do doanh nghiệp dừng hoạt động vì dịch bệnh.

Về phía người sử dụng lao động, đặc biệt là trong các doanh nghiệp, cần thực hiện tốt quy định về phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe công nhân; có chính sách hỗ trợ những trường hợp khó khăn của đơn vị. Cùng với đó là đồng hành cùng chính quyền trong công tác phòng, chống dịch, tích cực hỗ trợ kinh phí cho Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid-19...

Bản thân đoàn viên Công đoàn, người lao động cũng nên chia sẻ khó khăn với chính quyền, người sử dụng lao động; thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Với những người đang tạm thời nghỉ việc, giãn việc, trong điều kiện cho phép nên tận dụng thời gian để nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp qua các lớp học trực tuyến, qua tài liệu trên internet nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động, tăng khả năng tìm được việc làm, cải thiện thu nhập khi dịch bệnh qua đi.

Sự đồng hành và chia sẻ của các phía sẽ góp phần quan trọng để thành phố Hà Nội sớm khống chế dịch Covid-19, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.

Đỗ Quỳnh Chi