Nhân rộng mô hình văn hóa ở cơ sở

Văn hóa - Ngày đăng : 06:31, 21/08/2021

(HNM) - Xây dựng và nhân rộng các mô hình văn hóa là một trong những giải pháp đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở. Sự xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình văn hóa tiêu biểu ở Hà Nội không chỉ giúp củng cố môi trường sống nền nếp, văn minh, mà còn góp phần gắn kết tình làng, nghĩa xóm, nâng cao đời sống tinh thần cho cộng đồng dân cư.

Xây dựng khu dân cư văn hóa mang đến cảnh quan sạch đẹp cho xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm).

Lan tỏa từ mô hình tiên phong

“Làng văn hóa kiểu mẫu” là mô hình được huyện Thanh Oai xây dựng từ năm 2018, trên cơ sở nâng cao tiêu chí so với việc xây dựng một làng văn hóa thông thường, như: 100% đường làng phải được đổ bê tông, trải nhựa hoặc lát gạch; 100% nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, các điểm tập trung đông người niêm yết Quy tắc ứng xử nơi công cộng; có ít nhất 2 bãi đỗ xe tĩnh, 2 tuyến đường hoa, 1 sân thể thao... Nơi được chọn cũng phải là điển hình về xây dựng đời sống văn hóa, có kinh tế ổn định và nhiều năm giữ vững danh hiệu Làng văn hóa.

Sau khi thí điểm thành công mô hình này tại hai làng: Minh Kha (xã Bình Minh) và Hưng Giáo (xã Tam Hưng), huyện Thanh Oai vừa chọn thêm cơ sở mới để xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”. Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Oai Trần Văn Lợi, khi huyện phát động đợt xây dựng mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu”, có rất nhiều thôn, làng tự ứng cử, cho thấy người dân rất phấn khởi và tin tưởng vào cách làm này trong việc nâng cao đời sống văn hóa ở cộng đồng. Qua rà soát, huyện chọn ra địa phương đáp ứng cơ bản các tiêu chí để tiếp tục hỗ trợ xây dựng mô hình là thôn Hoàng Trung (xã Hồng Dương).

Bí thư Chi bộ thôn Hoàng Trung (xã Hồng Dương) Nguyễn Hồng Sơn cho biết, ngay sau khi được chọn, thôn đã lên kế hoạch cho việc hoàn thiện các tiêu chí… “Sau thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, chúng tôi sẽ họp Ban chỉ đạo phong trào của thôn để đưa ra các giải pháp, lộ trình cụ thể”, ông Nguyễn Hồng Sơn thông tin.

Trước đó, tại phường Việt Hưng (quận Long Biên), mô hình "Liên gia tự quản" đã được hình thành với sự hỗ trợ nhiệt tình của những cá nhân có uy tín, trách nhiệm ở cơ sở. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Long Biên Lê Thị Hương cho rằng, với đặc trưng đông dân, các tổ dân phố khó có thể triển khai hiệu quả công việc nếu không có sự hỗ trợ của các "Liên gia tự quản". Họ là cánh tay nối dài của tổ trưởng tổ dân phố trong công tác thông tin, tuyên truyền cũng như khơi dậy, lan tỏa nhiều phong trào, cuộc vận động ý nghĩa; động viên người dân xây dựng nếp sống văn hóa.

“Từ hiệu quả của những mô hình tiên phong, quận Long Biên đã triển khai rộng rãi tới tất cả các phường trên địa bàn. Tới nay đã có hàng nghìn "Liên gia tự quản" đang hoạt động hiệu quả”, bà Lê Thị Hương cho hay.

Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa

Sau nhiều năm gây dựng và phát triển phong trào, Hà Nội đã có nhiều khởi sắc trong việc đưa đời sống văn hóa, tinh thần của người dân vươn lên tầm mức mới, trong đó có đóng góp không nhỏ của những mô hình hay, cách làm sáng tạo. Nhiều mô hình đã khẳng định hiệu quả khi tiếp tục được nhân rộng, lan tỏa mạnh mẽ, như: "Dòng họ tự quản" ở huyện Phúc Thọ; Tổ dân phố “5 không” của quận Thanh Xuân; "Cầu thang văn hóa", "Gia đình học tập"… tại quận Cầu Giấy; “Xóa chân rác, tạo vườn hoa” của quận Hoàn Kiếm; "Phường văn hóa" tại quận Tây Hồ, “Đường hoa, tranh bích họa”  ở xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm...

Sự lớn mạnh không ngừng của các mô hình còn cho thấy công tác tổ chức, quản lý các hoạt động văn hóa ở cơ sở đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân trong nâng cao đời sống văn hóa tinh thần. Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long Nguyễn Viết Chức, trong quá trình triển khai các mô hình văn hóa, cùng với sự vào cuộc tích cực của chính quyền và đoàn thể các xã, phường, thị trấn, phải kể đến vai trò gương mẫu, đi đầu của đội ngũ cán bộ ở cơ sở... Do vậy, cơ quan chức năng cần động viên, khích lệ, có hình thức khen thưởng lực lượng này một cách kịp thời để phong trào ngày càng phát triển.

Đề cập đến vấn đề này, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Ngô Văn Nam cho biết, trong Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025" có nhấn mạnh đến việc xây dựng các mô hình văn hóa tiêu biểu về thực hiện nếp sống văn minh, gắn với thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng; đồng thời, phát huy năng lực tự tổ chức đời sống văn hóa ở thôn, tổ dân phố, xây dựng các mô hình câu lạc bộ văn hóa, thể thao cơ sở...

“Để tiếp tục nâng cao chất lượng và nhân rộng các mô hình mới trong xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ tăng cường tuyên truyền; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra việc thực hiện để kịp thời phát hiện, biểu dương và phổ biến những mô hình mới, cách làm hay trong cộng đồng”, ông Ngô Văn Nam thông tin.

Nguyễn Thanh