Độc đáo lễ hội khinh khí cầu ở xứ Phù Tang
Du lịch - Ngày đăng : 05:07, 22/08/2021
Niềm tự hào của Saga
Nhiều năm gần đây, lễ hội khinh khí cầu Saga đã được tổ chức ở quy mô quốc tế để thu hút đông đảo khách du lịch. Trên 800.000 lượt du khách, khoảng trên 100 khinh khí cầu lớn nhỏ cùng nhiều phi công đến từ khoảng 20 quốc gia đến tham gia lễ hội hằng năm.
Sự kiện tiền thân của lễ hội này bắt đầu năm 1978 tại Amagi, Fukuoka với vẻn vẹn 5 chiếc khinh khí cầu. Sau đó, sự kiện được chuyển đến vùng ngoại ô thành phố Saga (năm 1980) với sự tham gia của nhiều đội thi trong nước và quốc tế. Ở Nhật Bản, mùa xuân và mùa thu là hai mùa lý tưởng nhất cho các hoạt động ngoài trời. Bầu trời trong vắt, không khí mát mẻ, ít mưa, rất thuận tiện để ngắm trăng, ngắm lá phong, ngắm hoa anh đào...
Lễ hội khinh khí cầu diễn ra tại bờ sông Kase, thành phố Saga, tỉnh Saga, Nhật Bản, và thường được tổ chức từ ngày 31-10 đến ngày 5-11, trong đó, ngày 1-11 là ngày dành riêng cho trẻ em. Trong dịp “Kids day”, ngoài những khinh khí cầu truyền thống với màu sắc sặc sỡ trên bầu trời, ban tổ chức còn làm các loại khinh khí cầu hình nhân vật truyện tranh, hoạt hình nổi tiếng như Doraemon, Pokemon, Picachu hay mèo Tôm, chuột Jerry... Lễ hội bắt đầu vào đúng 7h.
Một cuộc đua thể thao
Xuất phát là một trò tiêu khiển, giải trí, lễ hội khinh khí cầu Saga dần trở thành một môn thể thao ưa thích của người dân Nhật Bản. Họ coi lễ hội như một sự kiện thể thao lớn nhất trên bầu trời châu Á. Các đội chơi sẽ phải thi với nhau để chọn đội xuất sắc nhất trình diễn trong đêm chung kết. Các đội thi chuyên nghiệp trước đó phải tập luyện thường xuyên và làm chủ kỹ thuật điều khiển khinh khí cầu, đáp ứng các yêu cầu mà ban tổ chức đưa ra.
Ban tổ chức trước đó đã đánh dấu các mục tiêu và cung cấp cho các phi công bao cát. Những khinh khí cầu sau khi được thổi phồng bằng khí đốt sẽ bay lên bầu trời. Phi công điều khiển khinh khí cầu phải xác định được hướng gió để thả vật đánh dấu xuống gần với mục tiêu. Ngoài sức khỏe dẻo dai, phi công phải có kiến thức vững về vật lý, khả năng chọn điểm hạ cánh và cách giảm độ cao. Cuộc thi này được người dân Saga gọi là cuộc thi của kiến thức và thể thao. Đội đạt điểm số cao nhất và hoàn thành các nhiệm vụ sẽ nhận được chiếc cúp Thái Bình Dương.
Bên cạnh cuộc thi chính thức còn có khu vực riêng để mở cuộc thi tự phát hoặc trình diễn, có cuộc thi diễn ra vào ban ngày và cuộc thi diễn ra vào ban đêm. Đêm chung kết, khinh khí cầu đan xen với màn pháo hoa rực trời như một bữa tiệc ánh sáng trên bầu trời Saga. Du khách chắc chắn sẽ chẳng bao giờ quên được kỷ niệm đẹp đó nếu như được thưởng trọn cả ngày lẫn đêm ở lễ hội khinh khí cầu. Ở Saga, có một loại khinh khí cầu cho du khách trải nghiệm gọi là Saga Balloon Meeting, hầu hết du khách đến tham gia đều muốn trải nghiệm cảm giác một lần được bay lên không trung dù thời gian không nhiều và chi phí không hề rẻ.
Đến với Saga, ngoài thưởng thức lễ hội khinh khí cầu, du khách còn có dịp thưởng thức một thành phố yên bình và rất thuận tiện về các dịch vụ du lịch. Xe buýt được kết nối ở tất cả các tuyến đường, wifi miễn phí ở các khu vực có dựng rạp. Du khách có thể nghỉ trọ tại các khu Hakata hoặc Take, đây là các khu có an ninh tốt và giá thành rẻ, lại rất gần bờ sông Kase - nơi tổ chức lễ hội quốc tế khinh khí cầu. Du khách xuống ga Saga sẽ bắt tuyến tàu cao tốc JR Nagasaki đi Hizen Yamaguchi hoặc tuyến JR Karatsu đi Taku, xuống ở ga JR Balloon Saga. Tàu cao tốc hoạt động suốt ngày đêm trong mùa lễ hội.
Sinh viên Phạm Minh Hoài (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) tham gia trao đổi sinh viên tại Đại học Saga cho biết: Đối với người dân Nhật Bản nói chung và Saga nói riêng, lễ hội khinh khí cầu có ý nghĩa rất quan trọng, ý nghĩa về sự chinh phục bầu trời. Đây cũng là lễ hội thể hiện ý chí và tài năng của các phi công, họ nhận được sự tôn trọng đặc biệt từ xã hội. Du học sinh và người lao động Việt Nam rất thích thú với lễ hội này, thường tới đây khá đông vào dịp lễ hội.