Chú trọng giải pháp công nghệ số trong phòng dịch
Kinh tế - Ngày đăng : 11:43, 24/08/2021
Ngay khi dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020, việc phòng, chống dịch đã được ngân hàng coi là nhiệm vụ quan trọng nhất. Đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết: “Công tắc" phòng, chống dịch được bật ở mức cao nhất, bởi môi trường làm việc đặc thù của khối này tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm. Toàn bộ hệ thống ngân hàng đều thực hiện nghiêm các biện pháp về phòng, chống dịch Covid-19 để bảo đảm an toàn hoạt động. Đặc biệt, ngân hàng đã tích cực triển khai nhiều ứng dụng nền tảng công nghệ số trong hoạt động kinh doanh của đơn vị. Các tiện ích thanh toán trực tiếp, thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế tiếp xúc đã mang đến cho đơn vị nhiều phương án tiếp cận, phát triển khách hàng; giúp khách hàng có nhiều lựa chọn với các sản phẩm Vietcombank mọi lúc, mọi nơi mà không nhất thiết phải đến trực tiếp các địa điểm giao dịch".
Đại diện Vietcombank cũng khẳng định, đơn vị đã thực hiện phân luồng khách hàng ngay từ cửa ra vào để giảm thiểu số cán bộ, nhân viên tiếp xúc trực tiếp với khách hàng khi thực hiện giao dịch, tách biệt cửa giao dịch nội bộ để hạn chế cán bộ không liên quan tiếp xúc với khách hàng. Trong trường hợp có phát sinh ca nhiễm Covid-19, ngân hàng cũng đã sẵn sàng các phương án ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.
Đối với Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank), nhằm bảo đảm an toàn trong giao dịch, TPBank đã đồng loạt phun thuốc khử trùng và trang bị nước rửa tay tại các ngân hàng tự động LiveBank. Theo Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng, diễn biến của dịch Covid-19 đang vô cùng khó lường với tốc độ lây lan mạnh, do đó các biện pháp phòng, chống dịch vẫn đang tiếp tục được nâng cao tại TPBank, đặc biệt là tại các điểm LiveBank. Với việc tập trung vào LiveBank, khách hàng giao dịch sẽ không phải gặp nhiều người, cũng như không phải chờ tới lượt giao dịch, tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Hơn nữa, LiveBank có thể đáp ứng được tất cả giao dịch trên như một ngân hàng truyền thống như gửi tiền, rút tiền, chuyển khoản...
Tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), các chi nhánh trong hệ thống đã chủ động xây dựng phương án phòng, chống dịch khá linh hoạt. Trong thời kỳ thực hiện giãn cách xã hội, tại nhiều điểm giao dịch của Agribank chỉ đáp ứng 3-5 khách mỗi thời điểm giao dịch, trên các bàn giao dịch được trang bị có kính chắn giọt bắn, các nhân viên được trang bị khẩu trang và quần áo bảo hộ…
Ngoài thực hiện thông điệp "5K", vệ sinh khử khuẩn môi trường làm việc, các chi nhánh Agribank hoạt động trong vùng dịch đặc biệt chú trọng bảo vệ nguồn nhân lực để bảo đảm cho hoạt động kinh doanh thông suốt. Trong đó, yêu cầu các phòng, ban theo dõi sức khỏe của người lao động hằng ngày; lập kế hoạch ứng phó, thường xuyên rà soát, cập nhật các giải pháp, kịch bản để bảo vệ nguồn nhân lực theo từng thời kỳ; thực hiện phân tách địa điểm làm việc đối với một số vị trí trọng yếu...
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Hà Nội cho biết, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Hà Nội đã thành lập Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19. Nhiệm vụ của Sở Chỉ huy là triển khai, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại trụ sở chi nhánh; chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, chủ động cập nhật tình hình diễn biến dịch bệnh; đề ra các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp; xây dựng phương án giao dịch thanh toán và tiền mặt...
Không chỉ nâng cao công tác phòng, chống dịch, đặc biệt chú trọng các giải pháp công nghệ số, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Hà Nội cũng khẳng định, hệ thống ngân hàng trên địa bàn Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt các chính sách, biện pháp cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay, giảm phí các dịch vụ thanh toán và tiền tệ để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.