Hà Nội: Bảo đảm lưu thông hàng hóa nông sản phục vụ người dân

Nông nghiệp - Ngày đăng : 16:02, 25/08/2021

(HNMO) - Ngày 20-8, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 2704/UBND-KT về bố trí địa điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa phục vụ nhân dân trên địa bàn thành phố trong thời gian chống dịch Covid-19. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, ngành Nông nghiệp chủ động xây dựng phương án sản xuất đối với từng nhóm ngành hàng, cung cấp thông tin về các đầu mối nông sản để kết nối cùng Sở Công Thương lưu chuyển đến các điểm trung chuyển đã được phê duyệt.

Vùng sản xuất rau xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức luôn chủ động gối vụ, bảo đảm cung cấp cho người tiêu dùng.

- Trước hết, ông có thể cho biết khả năng cung ứng nông sản tại chỗ của Hà Nội thời điểm hiện nay?

- Hà Nội hiện có 10 triệu dân sinh sống và học tập, làm việc nên luôn cần một lượng nông sản ổn định. Hiện nay, sản xuất nông nghiệp Hà Nội chỉ đáp ứng được khoảng từ 35-60% nhu cầu của người dân Thủ đô. Một lượng lớn thực phẩm vẫn phải nhập từ các tỉnh, thành phố trên cả nước và nhập khẩu. 

Những ngày giãn cách vừa qua, nhìn chung sản xuất nông nghiệp của Hà Nội và các tỉnh tương đối ổn định. Khó khăn chủ yếu ở khâu lưu thông, vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội và từ địa phương này sang địa phương khác trên địa bàn thủ đô. Nhiều vùng sản xuất không có thương lái tới thu mua, nhiều hộ sản xuất không vận chuyển được nông sản ra các chợ hoặc cửa hàng trên địa bàn… dẫn tới tình trạng một số nơi thì thừa cục bộ, một số nơi thì thiếu hàng hóa.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận được văn bản của UBND huyện Quốc Oai, Mê Linh, Phú Xuyên, Chương Mỹ... đề nghị hỗ trợ tiêu thụ một số sản phẩm vào vụ thu hoạch như nhãn, rau, củ, quả, thịt gà, trứng…

Đặc biệt, trong tháng 8-2021, nhiều loại nông sản vào vụ thu hoạch nên đã xảy ra hiện tượng dư nguồn hàng ở một số vùng sản xuất. Do vậy, rất cần sự kết nối giữa các quận, huyện trên địa bàn để giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm và sớm xoay vòng sản xuất. 

Để giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là sau khi ghi nhận một số ca bệnh F0 tại các chợ, siêu thị…, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội và UBND các quận, huyện, thị xã về việc lập 5 điểm trung chuyển hàng hóa trên địa bàn nhằm giảm tải áp lực cho các chợ đầu mối.

- UBND thành phố Hà Nội đã nhất trí chủ trương trưng dụng 5 địa điểm làm nơi tập kết nông sản, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn sau đề nghị của Sở Công Thương. Vậy, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp triển khai như thế nào, thưa ông?

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đặc biệt là các hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng phương án sản xuất; đồng thời, cung cấp thông tin về số lượng các mặt hàng nông sản để điều tiết kịp thời, tránh tình trạng ùn ứ cục bộ.

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 17/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 21 tỉnh, thành phố tổng hợp danh sách 644 cơ sở đầu mối nông, lâm, thủy sản cho thị trường Hà Nội để Sở Công Thương cung cấp cho các đơn vị siêu thị, điểm kinh doanh hàng hóa thiết yếu trên địa bàn khai thác nguồn cung hàng hóa.

Đồng thời, đôn đốc 835 doanh nghiệp sơ chế, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản thuộc thẩm quyền quản lý của ngành Nông nghiệp tăng cường thu mua, dự trữ nguồn nguyên liệu (ít nhất bằng 3 lần bình thường) theo yêu cầu của UBND thành phố; đẩy mạnh sản xuất, lưu kho sản phẩm nhằm dự trữ trong các trường hợp khó khăn về nguyên liệu; bố trí đầy đủ phương tiện, nhân lực sẵn sàng vận chuyển hàng hóa đến các điểm bán lẻ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, đặc biệt là đến các điểm trung chuyển UBND thành phố đã cho phép vừa qua.

Bộ đội, dân quân… hỗ trợ nông dân huyện Mê Linh thu hoạch rau.

- Ông có thể cho biết thêm về những thách thức trong việc bảo đảm nguồn nông sản cho người dân Thủ đô trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cũng như các giải pháp ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ triển khai trong thời gian tới? 

- Tình hình tiêu thụ rau, quả tươi tại một số địa phương đang gặp khó khăn và dự báo tiếp tục có khó khăn trong thời gian tới do phong tỏa, chia cắt địa bàn khiến chuỗi phân phối bị đứt gãy... Ví dụ, nông dân các huyện Phúc Thọ, Thạch Thất... chỉ buôn bán tại chợ trong địa bàn, ảnh hưởng đến việc thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm của nông dân; tiểu thương thu gom rau tại các xã như Yên Viên, Văn Đức (Gia Lâm), Tân Minh (Thường Tín) không sang được các tỉnh lân cận; các thương lái lớn thu mua nông sản tại các quận, huyện tạm dừng hoạt động do giãn cách xã hội; trong khi, chợ đầu mối Đền Lừ, Minh Khai, Long Biên, chợ dân sinh… cũng hạn chế việc buôn bán, kinh doanh…

Sau khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội (từ ngày 24-7 tới nay) đã có 55/106 cơ sở giết mổ phải tạm ngừng hoạt động. Sản lượng thịt đưa ra thị trường tiêu thụ giảm khoảng 20-35%. Đáng chú ý, một số cơ sở giết mổ đã có F1, F2 nên buộc phải ngừng hoạt động, trong khi việc vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn…

Khắc phục những khó khăn nêu trên, ngành Nông nghiệp đã xây dựng phương án sản xuất tại các “vùng xanh”, “vùng đỏ”, bảo đảm nguồn cung nông, lâm, thủy sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng người dân Thủ đô trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19. 

Với “vùng xanh”, các địa phương cần triển khai các giải pháp ổn định sản xuất; tăng cường kiểm soát chất lượng nông sản; động viên người dân tích cực gieo trồng, chăm sóc rau màu theo đúng kỹ thuật; đồng thời, phối hợp với đơn vị chức năng nắm vững tình hình tiêu thụ sản phẩm để có kiến nghị giải pháp kịp thời… Cùng với đó là rà soát các điều kiện cho vụ đông, mở rộng sản xuất các loại rau xanh, chủ động nguồn cung thực phẩm cho thành phố.

Tại các “vùng đỏ”, công tác phòng, chống dịch bệnh được đặt lên hàng đầu. Để chủ động cung cấp thực phẩm tại chỗ và không làm gián đoạn chuỗi cung cấp thực phẩm chung của thành phố, các địa phương cần chủ động triển khai các giải pháp để người sản xuất không thuộc diện cách ly y tế có thể ra đồng chăm sóc, thu hoạch nông sản và phải bảo đảm đúng nguyên tắc phòng, chống dịch. 

Đặc biệt, các cơ quan chuyên môn của ngành Nông nghiệp cần chủ động rà soát, tham mưu với chính quyền địa phương hình thành các nhà sơ chế, kho bảo quản tạm thời (do xã, thôn, hợp tác xã thiết lập, quản lý) để đưa rau tươi, quả tươi thu hoạch trên địa bàn vào bảo quản và cung ứng tại chỗ cho người dân trong vùng bị cách ly y tế.

Các địa phương thành lập tổ công tác hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thiết lập "đường dây nóng” để tiếp nhận thông tin, kết nối với Sở Công Thương hỗ trợ đưa sản phẩm đến các điểm trung chuyển đã được phê duyệt. 

- Trân trọng cảm ơn ông!

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 2704/UBND-KT (ngày 20-8-2021) về bố trí địa điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa phục vụ nhân dân trên địa bàn thành phố trong thời gian chống dịch Covid-19.

Công văn nêu rõ, xét đề nghị của Sở Công Thương Hà Nội, đồng thời nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa, giảm tải lượng hàng hóa về các chợ đầu mối, chợ có tính chất đầu mối hoặc trong trường hợp các chợ đầu mối của thành phố tạm đóng cửa, UBND thành phố nhất trí chủ trương trưng dụng 5 địa điểm làm nơi tập kết nông sản, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, 5 địa điểm gồm: Khu công nghiệp phụ trợ Nam Hà Nội (xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên), khu tái định cư ở xã Tiên Dược (huyện Sóc Sơn), ô đất trống ở xã Dương Xá (huyện Gia Lâm), Bến xe Yên Nghĩa (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) và Trung tâm Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (số 489 đường Hoàng Quốc Việt, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm).

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Đỗ Minh