Hài hòa ''mục tiêu kép''

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:03, 26/08/2021

(HNM) - Dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, song Chính phủ vẫn kiên định “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Thực hiện mục tiêu này, các cấp, ngành, địa phương đã chủ động hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, đẩy mạnh xuất khẩu, không để chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực, sáng tạo, triển khai các phương án bảo đảm an toàn cho người lao động, sẵn sàng duy trì sản xuất, kinh doanh theo từng cấp độ dịch bệnh. Hơn hết, tất cả cùng đồng lòng, huy động mọi nguồn lực để kiểm soát dịch Covid-19, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường.

Tuy nhiên, tính chất phức tạp của đợt bùng phát dịch lần thứ tư cũng đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của doanh nghiệp. Tính riêng địa bàn thành phố Hà Nội, chỉ sau 3 tuần thực hiện giãn cách xã hội, đã có khoảng 2.500 doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp phải dừng hoạt động do không bảo đảm an toàn phòng dịch. Phương án “3 tại chỗ” cũng bộc lộ một số bất cập, như phát sinh chi phí sản xuất, làm giảm năng suất lao động, thiếu nhân lực đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, dịch Covid-19 chưa có tiền lệ nên các cấp, ngành không tránh khỏi lúng túng khi doanh nghiệp đề nghị hướng dẫn phương án duy trì sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát.

Quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”, nhưng kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa mục tiêu chống dịch và mục tiêu duy trì sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội; tùy từng nơi, từng lúc để ưu tiên hơn một trong hai mục tiêu này hoặc cân bằng, hài hòa cả hai mục tiêu. Vì vậy, trước hết, các cấp, ngành cần xác định rõ điều cần ưu tiên là gì để có phương án phù hợp. Có thể phân loại, khoanh vùng để xác định nhiệm vụ ưu tiên khi dịch bệnh có khả năng còn kéo dài.

Theo đó, nơi nào là “vùng xanh” không xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng, có thể ưu tiên phục hồi sản xuất hoặc hài hòa cả hai mục tiêu; khu vực nào là “vùng đỏ”, xuất hiện nhiều ca bệnh trong cộng đồng cần ưu tiên nhiệm vụ chống dịch, kiên quyết dừng hoạt động với đơn vị không bảo đảm an toàn.

Cùng với đó, các cấp, ngành cũng cần chủ động đối thoại với doanh nghiệp, đề xuất, hướng dẫn doanh nghiệp phương án sản xuất phù hợp với điều kiện thực tiễn của doanh nghiệp và địa phương. Hơn hết, chủ động tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho lực lượng sản xuất là giải pháp quan trọng nhất lúc này để đạt cả hai mục tiêu phòng dịch và duy trì sản xuất.

Về phía doanh nghiệp, việc cấp thiết, quan trọng trước hết là tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch, bởi môi trường sản xuất đông người, nếu bùng phát dịch thì sẽ lây lan nhanh, khó có thể lường hết những thiệt hại. Song song, doanh nghiệp cần chủ động tham khảo kinh nghiệm duy trì sản xuất của các doanh nghiệp trong nước và trên thế giới, nghiên cứu mô hình phù hợp với đơn vị mình để đề xuất với các cấp, ngành, trên cơ sở bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn chung; sẵn sàng nguồn nhân lực, vật lực để bắt tay ngay vào sản xuất khi điều kiện cho phép.

Người lao động cũng cần chia sẻ với doanh nghiệp, sẵn sàng thực hiện các phương án sản xuất trong điều kiện, hoàn cảnh khó khăn; tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch để vừa bảo đảm an toàn cho bản thân, vừa giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động.

Trong bối cảnh khó khăn này, sự đồng lòng, thống nhất từ các cấp, ngành đến doanh nghiệp, người lao động là yếu tố quyết định để thực hiện hài hòa và thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Gia Khánh