Chùa Bửu Long - dấu ấn của sự giao thoa Phật giáo

Du lịch - Ngày đăng : 11:43, 26/08/2021

(HNMCT) - Chùa Bửu Long, hay Thiền viện Tổ đình Bửu Long, tọa lạc tại số 81 đường Nguyễn Xiển (phường Long Bình, quận 9, thành phố Thủ Đức), cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng 25km. Chùa nổi tiếng với kiến trúc độc đáo, lộng lẫy; có sự giao thoa giữa phong cách kiến trúc Phật giáo Nam tông ở khu vực Đông Nam Á với phong cách nghệ thuật của triều Nguyễn ở Việt Nam, tạo nên dấu ấn đậm nét.

Tòa bảo tháp Gotama Cetiya lộng lẫy giữa trời xanh.

Ngôi chùa đặc biệt

Nằm trong khuôn viên 11ha, trên ngọn đồi có địa thế biệt lập với khu vực xung quanh, chùa Bửu Long nhìn ra sông Đồng Nai tấp nập thuyền bè qua lại, nhưng khuôn viên bên trong vô cùng thanh tịnh. Ban đầu, chùa chỉ là một tịnh thất, do cư sĩ Võ Hà Thuật (1901 - 1969) xây dựng năm 1942. Năm 1958, ông dâng cúng toàn bộ tịnh thất cho Hòa thượng Hộ Tông - vị Tăng thống đầu tiên của Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam để xây dựng Thiền viện Tổ đình Bửu Long. Đây được xem là ngôi tổ đình của Phật giáo Nam tông - một trong 9 hệ phái Phật giáo ở Việt Nam.

Thiền viện Tổ đình hay chùa Bửu Long được trùng tu, xây dựng trong nhiều năm, ban đầu gồm những công trình được xây dựng theo lối kiến trúc của thời Nguyễn. Cho đến trước năm 2007, chùa đã hoàn thiện các hạng mục: Chính điện, tổ đường, trai đường, tăng xá, hang Bồ tát Khổ hạnh, tượng đức Phật nhập Niết bàn hay khu Bồ đề Phật cảnh...

Năm 2007, chùa được trùng tu và xây dựng thêm tòa bảo tháp Gotama Cetiya - ngôi bảo tháp lớn nhất Việt Nam, cao 56m, rộng hơn 2.000m2, có sức chứa hơn 2.000 người, được thiết kế theo phong cách kiến trúc đặc trưng của Phật giáo Nam Tông, thường thấy trong các ngôi chùa ở Thái Lan, Myanmar, Campuchia...

Tòa bảo tháp Gotama Cetiya gồm 1 tháp trung tâm cao 7 tầng, 4 tháp nhỏ xung quanh có tên gọi: Đản sinh, Thành đạo, Pháp luân và Niết bàn. Các tòa tháp này đều được sơn màu trắng với phần mái thiết kế kiểu chóp nhọn dát đồng thau, tôn lên nét cổ kính, hoành tráng, khiến công trình trở nên nổi bật giữa rừng cây. Các cầu thang dẫn lên chính điện tòa tháp trung tâm được trang trí hình rồng ngậm hạt minh châu đắp nổi đầy khỏe khoắn. Hệ thống mái vòm, cửa sổ, cửa chính được tạo bởi hoa văn, phù điêu đắp nổi cầu kỳ, mang dấu ấn của nền văn minh lưu vực sông Ấn và văn hóa Việt Nam. Tầng trệt và tầng 2 của bảo tháp là hội trường. Tầng 3, 4 là thiền đường. Tầng 5 là nơi đặt xá lợi Phật, do vậy, nơi đây còn được gọi là chùa Xá Lợi.

Trước tòa bảo tháp là một hồ nước hình bán nguyệt, quanh năm xanh màu ngọc bích. Hồ có diện tích 280m2, xung quanh là các cây thạch đăng tự cùng tượng hạc đứng trên lưng rùa thường thấy trong chùa Việt. Việc đặt hồ nước trước chùa cũng là kiểu kiến trúc phổ biến ở các ngôi chùa Việt truyền thống. Điều này cho thấy sự giao thoa văn hóa giữa các nước trong khu vực với Việt Nam, qua đó thể hiện sự hòa hợp của Phật giáo Nam Tông với văn hóa Phật giáo Việt Nam nói chung. Năm 2019, chùa Bửu Long được tạp chí National Geographic của Mỹ bình chọn là một trong 10 công trình kiến trúc Phật giáo có thiết kế đẹp nhất thế giới.

Điểm du lịch văn hóa - tâm linh

Không chỉ gây ấn tượng với lối kiến trúc độc đáo, chùa Bửu Long còn nổi tiếng là “ngôi chùa không nhang khói” suốt hơn 60 năm qua. Phật tử, du khách khi tới chùa chỉ lòng thành bái Phật, không thắp hương và chấp hành các quy định về trang phục, văn hóa ứng xử, khiến không gian chùa càng trở nên tôn nghiêm, thanh tịnh. 

Bên cạnh đó, chùa Bửu Long còn là điểm chụp ảnh “check-in” và tìm hiểu văn hóa của giới trẻ thành phố Hồ Chí Minh. Hà Hạnh Thu, 25 tuổi, sinh viên Trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Trước đây, em và các bạn thường tới chùa Bửu Long để chụp ảnh, tìm hiểu phong cách kiến trúc cùng sự đa dạng văn hóa của công trình. Nơi đây giống như một trường học thu nhỏ, giúp chúng em có thêm kiến thức thực tế”.

Đến chùa Bửu Long, du khách còn được lắng nghe các vị hòa thượng giảng bài, đọc kinh Tạng Pali hay chiêm ngưỡng cây bồ đề được chiết từ nhánh của cây chính - nơi Phật tu thành chính quả tại Ấn Độ. Bà Trương Thị Trúc Mai, một Phật tử ở quận Tân Bình chia sẻ: “Khi chưa giãn cách xã hội, tôi thường đến chùa Bửu Long mỗi cuối tuần để thiền và hòa mình vào không gian thiên nhiên yên bình nơi đây. Sau mỗi lần như vậy, tôi tìm thấy sự an yên trong tâm hồn và cố gắng lan tỏa những điều tốt đẹp tới những người xung quanh”.

Vào thời điểm thích hợp, hãy thử một lần ghé chùa Bửu Long, leo lên tầng gác thứ tư và nhìn xuống, du khách sẽ thấy toàn cảnh sông Đồng Nai, phía xa là trung tâm thành phố Hồ Chí Minh với các công trình cao tầng hiện đại. Thả hồn giữa không gian xanh mát, lắng nghe thanh âm của hàng trăm chiếc chuông gió trên nóc tòa bảo tháp Gotama Cetiya, du khách sẽ cảm thấy trân quý hơn những khoảnh khắc bình yên như vậy...

Nguyễn Trung