Ngày mai bình yên
Giải trí - Ngày đăng : 17:08, 27/08/2021
Nơi an trú cho tâm hồn
Âm nhạc réo rắt đến thắt lòng, chuyển động chậm của vũ công trên sân khấu, trong một thứ ánh sáng yếu ớt đến huyền hoặc cho thấy những biến chuyển tinh tế của cảm xúc. “Khi bị giới hạn với không gian bên ngoài, con người khám phá ra cảm xúc ẩn sâu bên trong mình” - đó là lời giới thiệu đầu tiên về vở múa đương đại “Tách” - vở diễn nằm trong khuôn khổ dự án “Xưởng văn hóa” do Viện Goethe thực hiện.
Vở diễn được ghi hình vào tháng 9-2020 và được công chiếu từ ngày 21-8 trên kênh YouTube của Viện Goethe. Ba nghệ sĩ múa Lê Trần Thảo Nhi, Hoàng Lan Phương, Phạm Ngọc Toàn thuộc nhóm Baydanc đã mang đến cho khán giả nhiều suy tư bởi tác phẩm “là sự bóc tách từng mảng miếng, góc cạnh sâu phía bên trong nội tại.
“Tách” để quan sát bản thân dưới những bản thể khác nhau, vừa tách bạch vừa xen lẫn, đôi khi thật rối ren. Trong không gian an toàn riêng của mình, sau những dễ chịu, tĩnh lặng là cảm giác trì trệ, mệt mỏi, lo lắng, nặng nề. Mong muốn thoát khỏi sự an toàn trong không gian kín nhen nhóm lên những giằng xé giữa lựa chọn nên hay không nên...”. Sự xuất hiện của tác phẩm vào thời điểm này - khi mọi người phải thực hiện giãn cách, nhiều người cảm thấy khó chịu với sự bó buộc về không gian - giống như một lời tự sự để từ đó đi đến đồng cảm, thấu hiểu và giải phóng suy tư, mang đến cảm giác bình an.
Trước đó, tác phẩm múa đương đại “Cái tổ”, cũng nằm trong khuôn khổ dự án “Xưởng văn hóa” do nghệ sĩ Vũ Ngọc Khải (biên đạo múa), viola Ngọc Thủy và DJ Trí Minh thực hiện đã được công chiếu. “Cái tổ” mang lại nhiều xúc cảm, nhất là trong bối cảnh cả nước như ngừng chuyển động vì đại dịch Covid-19, mỗi con người đều cảm thấy nhỏ bé, khó đoán định trước sự biến đổi khôn lường của dịch bệnh. Giữa những lo âu giằng xé, các nghệ sĩ mong muốn gợi cho mỗi người về “Cái tổ” với niềm hy vọng tất cả mọi người sẽ tìm thấy sự yên bình, may mắn trong miền an trú của riêng mình.
Tiếng nói sẻ chia
Nếu múa mang đến những rung cảm tinh tế nhưng khá kén khán giả thì phim truyền hình lại truyền tải thông điệp trực diện và thú vị tới số đông. Bộ phim truyền hình “Ngày mai bình yên”, dù mới phát sóng những tập đầu nhưng đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của khán giả. Một số video giới thiệu tập mới trên facebook watch có hơn 1 triệu lượt xem.
“Ngày mai bình yên” do Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (Đài Truyền hình Việt Nam) thực hiện, mang tới câu chuyện chân thực như một lời sẻ chia về cuộc sống của người Hà Nội trong những ngày chống dịch. Trong phim, ông Phát (NSND Trung Hiếu đóng) vừa phải chật vật lo cho hoạt động của công ty, vừa đối diện với những vấn đề của gia đình, những “bí mật” mà ông chỉ phát hiện ra khi phải ở nhà trong những ngày giãn cách... Với những câu chuyện giản dị, có thật trong cuộc sống, đặc biệt là chỉ có ở những ngày chống dịch như tích trữ lương thực, bị phạt vì ra công viên không mang khẩu trang, học online, giãn cách xã hội, những hộ kinh doanh chật vật xoay xở vì dịch...
Theo đạo diễn Vũ Trường Khoa, phim “Ngày mai bình yên” được sản xuất trong bối cảnh đại dịch nên thời gian triển khai kịch bản và sản xuất vô cùng gấp rút. Các biên kịch nắm bắt nhanh những gì đang diễn ra để tạo ra sự chân thực, hấp dẫn cho khán giả. Đoàn làm phim cũng phải vất vả xoay xở trong điều kiện thực hiện các biện pháp phòng dịch Covid-19. "Bộ phim là cách chúng tôi chia sẻ với khán giả những vướng mắc cũng như động viên tinh thần mọi người vượt qua khó khăn", đạo diễn này chia sẻ.
Có thể thấy, mỗi tác phẩm nghệ thuật xuất hiện trong thời điểm này đều vô cùng ý nghĩa. Dù ở những thể loại nghệ thuật khác nhau, cách thể hiện khác nhau nhưng mỗi tác phẩm đều cho thấy góc nhìn, tiếng nói chia sẻ, đồng cảm với người dân trong những ngày dịch bệnh căng thẳng.
Chính vì điều này mà mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 2226/QĐ-BVHTTDL ban hành kế hoạch triển khai thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 trong năm 2021. Kế hoạch đưa ra yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa việc sáng tác các tác phẩm điện ảnh, thông tin tuyên truyền phù hợp trong tình hình dịch bệnh; phát huy tối đa vai trò của đội ngũ nghệ sĩ điện ảnh trong sáng tác, tuyên truyền, cổ động nhằm tạo tâm lý tích cực, nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của toàn xã hội trong tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Mỗi tác phẩm sẽ là một lời cổ vũ người dân đồng lòng vượt khó, tạo không khí lạc quan, lan tỏa thông điệp tích cực, góp phần tăng cường giá trị của “vắc xin tinh thần” trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.