Phiêu lưu cùng sách
Sách - Ngày đăng : 05:35, 27/08/2021
Ngay từ khi con người còn chưa có nhiều điều kiện để khám phá những vùng đất xa xôi thì những trang sách đã đưa họ đến với những cuộc phiêu lưu trong thế giới thần thoại bí ẩn. Tác phẩm “Odyssey” nổi tiếng của Homer chính là một cuộc phiêu lưu của Odysseus sau cuộc chiến thành Troy trong trường ca Iliad. “Tây du ký” là hành trình dài của 4 thầy trò Đường Tăng đã làm say mê bao độc giả. Chàng hiệp sĩ đánh nhau với cối xay gió trong “Don Quixote - nhà quý tộc tài ba xứ Mancha” hấp dẫn độc giả bởi cuộc phiêu lưu với những tình tiết khôi hài...
Thế giới tưởng tượng của thần thoại, của các hiệp sĩ, phù thủy hay đất nước của những người khổng lồ, tý hon được dựng lên trong sách luôn đưa độc giả vào chuyến du hành đầy bất ngờ. “Gulliver du ký”, “Cuộc phiêu lưu kỳ lạ của Karik và Valia”, “Ba ngày ở nước tí hon”, “Cuộc phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn”, “Alice ở xứ sở diệu kỳ”, “Đại phiêu lưu đi tìm dòng nước hạnh phúc”, “Anh chàng Hobbit”, “Những cuộc phiêu lưu của Pinocchio”, “Harry Potter”... là những tác phẩm được yêu thích, bao nhiêu năm qua đã chinh phục lớp lớp độc giả trên thế giới.
Nếu các tác phẩm ấy đưa bạn đọc vào thế giới kỳ lạ, kích thích trí tưởng tượng thì những trang viết phiêu lưu trong thế giới thực lại mang đến cảm giác hồi hộp, bất ngờ, như đã thấy qua “Tiếng gọi nơi hoang dã”, “Trên sa mạc và trong rừng thẳm”, “Cuộc đời của Pi”, “Robinson Crusoe lạc trên hoang đảo”...
Đã có những tác giả để lại dấu ấn riêng trong đề tài phiêu lưu như nhà văn người Pháp Jules Verne. Ông chinh phục người đọc bằng tài năng nghệ thuật điêu luyện và kiến thức khoa học vững chắc. Trí tưởng tượng và ước mơ táo bạo trong trang sách của ông như “80 ngày vòng quanh thế giới”, “Hai vạn dặm dưới biển”, “Cuộc thám hiểm vào lòng đất”... không hề hão huyền khi giờ đây, con người vẫn đang tiếp tục khám phá và tìm cách thực hiện.
Còn nhà văn người Mỹ Mark Twain đưa độc giả theo đôi chân của hai nhân vật thiếu niên Tom Sawyer và Huckleberry Finn bước vào những cuộc du hành kỳ thú, kịch tính nhưng cũng không thiếu những pha gây cười. Nhà văn người Ý Gianni Rodari mang đến những tác phẩm được yêu thích như “Cuộc phiêu lưu của chú Hành”, “Cuộc phiêu lưu của Mũi Tên Xanh”, “Gelsomino ở xứ sở nói dối”, “Giữa trời chiếc bánh gatô”, “Chuyện kể trên điện thoại”...
Sách kể về những cuộc phiêu lưu kỳ thú luôn lôi cuốn độc giả thanh, thiếu niên, bởi giới trẻ không chỉ được trải nghiệm du lịch qua sách đầy hấp dẫn mà còn thấy ở đó nhiều bài học bổ ích về gia đình và tình bạn, về tình yêu thương và sự sẻ chia, về lòng dũng cảm... “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Đất rừng phương Nam”, “Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công”... là những câu chuyện phiêu lưu của các tác giả Việt Nam mà từ nhiều năm qua vẫn thu hút các thế hệ người đọc.
Đặc biệt, dòng văn học viết về các nhân vật nhỏ tuổi trong những năm tháng chiến tranh với hành trình và những tình huống truyện đầy kịch tính khiến độc giả có cảm giác như mình đang phiêu lưu cùng nhân vật. Đó là tác phẩm viết về các thiếu niên anh hùng, về tuổi thơ trong những năm tháng đi sơ tán, xa gia đình, cha mẹ... trong “Tuổi thơ dữ dội”, “Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt”, “Quê nội”...
Gần đây, tác phẩm “Đi trốn” của tác giả Bình Ca như một hồi ức về tuổi thơ trong năm tháng kháng chiến nhưng đậm chất phiêu lưu với phong cảnh thiên nhiên Việt Nam đẹp đẽ được tác giả miêu tả qua từng ngày khám phá của các nhân vật trong truyện. Hay như nhà văn Ma Văn Kháng cho ra mắt “Mãi mãi một thời thiếu sinh quân”, nhà văn Bùi Tự Lực giới thiệu “Trên nẻo đường giao liên”, tác giả Đắc Trung với “Những sư tử non”...
Một trong những đề tài phiêu lưu được nhiều tác giả Việt Nam viết cho thiếu nhi là các cuộc du hành vào thiên nhiên, với rừng xanh, núi cao, suối sâu, với những loài động thực vật muôn màu muôn vẻ. Có thể kể đến “Cuộc phiêu lưu kỳ thú của ếch xanh”, “Mật ngữ rừng xanh” của Lê Hữu Nam; “Cá voi Eren đến Hòn Mun” của Lê Đức Dương; “Đội cận vệ rừng xanh” của Nguyễn Phạm Thiên; “Cuộc phiêu lưu của Bồ Công Anh”, “Khu rừng bánh kem” của Trương Huỳnh Như Trân; “Trên đồi đất đỏ” của Nguyễn Trí... Đôi khi, chỉ một kỳ nghỉ hè về thăm quê cũng làm nên cả một hành trình kỳ thú như "Trên đồi, mở mắt và mơ", “Bên suối, bịt tai nghe gió” của Văn Thành Lê...
Không đơn thuần là câu chuyện giải trí, đằng sau mỗi chuyến phiêu lưu đầy hấp dẫn ấy là những bài học minh triết nhẹ nhàng khiến độc giả, đặc biệt là độc giả thiếu nhi, học được nhiều điều hay. Bởi thế, viết về đề tài phiêu lưu để độc giả được phiêu lưu với từng con chữ, nhiều tác phẩm ở dòng văn học này đã được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông, không chỉ giúp học sinh hiểu thêm về ngôn ngữ, văn chương mà còn gửi tới trẻ thông điệp về những bài học quý báu.