Huy động sức mạnh nhân dân tham gia phòng, chống dịch

Đời sống - Ngày đăng : 16:57, 27/08/2021

(HNMO) - Ngày 27-8, phương châm "dân là gốc", huy động sức mạnh nhân dân tham gia phòng, chống dịch tiếp tục được quán triệt tới từng cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, đoàn thể từ quận, huyện, thị xã xuống xã, phường, thị trấn của Hà Nội. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đẩy mạnh trực chốt, giữ vững an toàn cho những “vùng xanh” trên địa bàn.

Người dân phường Việt Hưng (quận Long Biên) cùng lực lượng chức năng bảo vệ vùng xanh, tăng cường kiểm soát, không cho người lạ vào địa bàn.

Huy động sức mạnh tại chỗ

Phát huy vai trò “dân là gốc” trong phòng, chống dịch, theo Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh, quận vừa ban hành thư ngỏ gửi nhân dân, người lao động sinh sống trên địa bàn với nội dung cảm ơn người dân đã đồng hành cùng chính quyền, các ban, ngành chung tay phòng, chống dịch trong thời gian qua. Đồng thời khẳng định, thời gian tới, với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, “không để ai có hoàn cảnh khó khăn không được hỗ trợ”, quận tiếp tục triển khai nhiều chính sách phù hợp để giúp đỡ người dân trên địa bàn.

Tại quận Đống Đa, theo Chủ tịch UBND quận Lê Tuấn Định, cảnh giác với các thông tin giả trên mạng xã hội là một nội dung tuyên truyền quan trọng được quận triển khai trong mùa dịch. Việc bám sát nhân dân, tuyên truyền để người dân hiểu và ủng hộ chính quyền chung tay vượt qua đại dịch luôn là nhiệm vụ quan trọng được quận thực hiện thời gian qua. Nhờ bám sát nhân dân, dựa vào dân trong công tác phòng, chống dịch, người dân luôn ủng hộ lực lượng chức năng trong triển khai các nhiệm vụ phòng, chống dịch. 

Người dân phường Việt Hưng (quận Long Biên) cùng lực lượng chức năng bảo vệ "vùng xanh", tăng cường kiểm soát người và phương tiện.

Tại quận Long Biên, theo Chủ tịch UBND phường Việt Hưng Nguyễn Kim Ánh, quán triệt yêu cầu của Bí thư Thành ủy Hà Nội với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi phường là một pháo đài chống dịch”, phường Việt Hưng vừa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vừa kiểm soát chặt chẽ việc ra vào trên các vành đai 1, 2, 3, không để người không có lý do chính đáng tự do qua lại địa bàn. Riêng vành đai 1, 2, chính quyền cơ sở đã phát huy được vai trò của người dân xung phong tham gia trực và kiểm soát phòng dịch 24/7. Với tinh thần “mỗi tổ dân phố là một pháo đài chống dịch”, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc phường đã vận động, kêu gọi nhân dân cùng tham gia tự bảo vệ “vùng xanh”. Anh Trần Thanh Hà, người dân phường Việt Hưng cho biết, không chỉ cùng cán bộ trực chốt vành đai, nhiều người còn tham gia nấu cơm, nấu chè tặng các lực lượng trực chốt, đồng thời, tuyên truyền nhắc nhở nhau không ra ngoài, ai ở đâu ở đó.

Tương tự, tại quận Ba Đình, Chủ tịch UBND phường Phúc Xá Bùi Thanh Xuân cho biết, nhằm huy động sức mạnh toàn dân vào công tác chống dịch, đến nay, toàn phường đã thiết lập 8 chốt trực tại các khu vực trọng điểm và xây dựng 9 chốt “vùng xanh” an toàn tại 9 địa bàn dân cư. Tại các chốt “vùng xanh” đều có sự tham gia tự nguyện của nhiều người dân. 

Chốt trực phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn phường Phúc Xá (quận Ba Đình).

Tiếp tục giữ vững an toàn “vùng xanh”

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng, triển khai thực hiện các biện pháp xây dựng vùng an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19, UBND huyện đã kiện toàn 147 tổ Covid-19 cộng đồng với 1.067 nhóm, 3.309 người; đồng thời, thành lập 142 chốt bảo vệ "vùng xanh" với trưởng thôn hoặc bí thư chi bộ là trưởng chốt, có nhiệm vụ theo dõi tình hình dịch bệnh tại thôn, kiểm soát chặt chẽ người ra vào, bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Hiện, trên địa bàn huyện Gia Lâm có tổng số 664 chốt kiểm soát phòng, chống dịch, trong đó có 5 chốt của thành phố, 3 chốt của huyện, 656 chốt của xã, thị trấn.

Người dân huyện Gia Lâm cùng chung tay đẩy lùi Covid-19.

Huyện Đan Phượng hiện duy trì 194 chốt kiểm soát, gồm 15 chốt khu vực giáp ranh với quận, huyện khác và từ quốc lộ 32 vào địa bàn huyện; 179 chốt tại các đường ngang, ngõ tắt ra, vào các thôn, cụm dân cư, tổ dân phố với tổng số gần 2.000 người tham gia. Huyện đã phát huy vai trò tự quản của người dân, chia thành các ca trực 24/24 giờ; 100% công dân được kiểm soát khi ra vào các điểm chốt. Đến nay, huyện Đan Phượng đã bảo vệ an toàn các “vùng xanh” không có dịch, người dân tự quản và đồng lòng cùng nhau thực hiện nghiêm, như một hương ước của làng, khu dân cư.

Ngoài việc duy trì các chốt trực, huyện Đan Phượng cũng đẩy mạnh công tác an sinh xã hội; cung cấp, hỗ trợ kịp thời lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho khu cách ly tập trung, khu vực phong tỏa, các chốt kiểm soát dịch bệnh; tăng cường rà soát, không để gia đình nào thiếu đói. Huyện đã phối hợp cùng các xã tích cực vận động hỗ trợ vật tư y tế, lương thực, thực phẩm trị giá hàng tỷ đồng cho các hộ dân khu vực cách ly, phong tỏa; các gia đình, công nhân, người lao động gặp khó khăn; các chốt kiểm soát dịch bệnh và lực lượng tham gia phòng, chống dịch.

Lực lượng chức năng tại chốt xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì kiểm soát người ra vào địa bàn.

Tại huyện Thanh Trì, theo Phó Chủ tịch UBND xã Tứ Hiệp Nguyễn Trung Kiên, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch, UBND xã đã huy động người dân tham gia trực tại 12 điểm chốt trên địa bàn. Ông Nhữ Đức Cường, xã Tứ Hiệp cho biết, để giữ vững “vùng xanh” an toàn, mỗi người dân trong xã đều chấp hành nghiêm việc thực hiện giãn cách, góp phần cùng chính quyền địa phương trong phòng, chống dịch bệnh, để cuộc sống sớm bình thường trở lại.

Sáng 27-8, Công an phường Định Công, quận Hoàng Mai (Hà Nội) nhận được tin báo xuất hiện một nhóm người tụ tập, tập thể dục tại khu vực nghĩa trang tại ngách 77, ngõ 245, phố Định Công, vi phạm các quy định về phòng, chống dịch. 

Ngay khi tiếp nhận tin báo, Công an phường Định Công đã phối hợp cùng UBND phường tới hiện trường, yêu cầu nhóm người trên về trụ sở Công an phường để lập biên bản và xử lý theo quy định.

Thông tin ban đầu, nhóm người trên gồm 4 người là: Nguyễn Văn B (sinh năm 1972; ở huyện Thanh Oai, Hà Nội), Nguyễn Thị N (sinh năm 1973; ở huyện Thanh Oai, Hà Nội), Nguyễn Thị H (sinh năm 1978; ở tổ 8, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội) và Trần Thị Kim A (sinh năm 2006; ở tổ 8, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội), đều là lao động tự do đang thuê nhà ở trọ tại khu vực nghĩa trang phố Định Công.

Tại Công an phường Định Công, xét thấy các trường hợp trên đều đang trong diện thất nghiệp và được hưởng hỗ trợ của UBND phường Định Công, Công an phường xin ý kiến và UBND phường đã thống nhất yêu cầu cả 4 công dân ký cam kết không vi phạm. Sau khi được tuyên truyền nhắc nhở, cả 4 công dân đều cam kết thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội.

Nhóm phóng viên