''Căng mình'' nơi cửa ngõ Thủ đô

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:37, 28/08/2021

(HNM) - Không chỉ đối diện với nguy cơ lây nhiễm bệnh, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế tham gia ứng trực tại 23 chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 nơi cửa ngõ thành phố Hà Nội đang hằng ngày phải “căng mình” đối phó với sự khắc nghiệt của thời tiết và cường độ công việc cao, nhằm bảo đảm cho Thủ đô yên bình, vững vàng trước đại dịch.

Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội kiểm tra giấy xét nghiệm Covid-19 của một lái xe. Ảnh: Tuấn khải

Kiên cường nơi cửa ngõ

Bụi bặm, nắng nóng hay những trận mưa bất chợt là chuyện thường ngày đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế đang thực thi nhiệm vụ tại 23 chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 của Hà Nội. Trong cái nắng 38-40 độ C hay mưa dông, gió giật, từng ca trực vẫn kiên cường bám đường, kiểm soát chặt chẽ từng phương tiện lưu thông qua chốt. Gương mặt ai cũng rắn rỏi hơn...

Mỗi ngày, từng chốt đều có 3 ca trực luân phiên, mỗi ca từ 8 đến 20 người (tùy độ phức tạp của từng chốt), với đầy đủ lực lượng công an, thanh tra giao thông, y tế, quân đội..., bảo đảm khép kín 24/24 giờ và 7/7 ngày trong tuần. Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Đội trưởng Đội Cảnhsát giao thông số 7, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội), phụ trách chốt số 5 ở cầu Phù Đổng (huyện Gia Lâm) cho biết: "Trong những ngày đầu mới lập chốt, do lượng phương tiện lớn, cộng với vướng mắc về thủ tục cấp “luồng xanh” nên đã xảy ra ùn tắc. Với nỗ lực của từng cán bộ, chiến sĩ và sự vào cuộc của các cơ quan liên quan, ùn tắc đã dần được tháo gỡ, giao thông đến nay đã thông suốt".

Chốt số 2 (tại trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ trên quốc lộ 1A thuộc huyện Phú Xuyên) là một trong những chốt mà lực lượng chức năng phải làm việc rất vất vả, bởi đây là tuyến có lưu lượng phương tiện lớn nhất trong số 23 chốt kiểm soát. Ước tính, mỗi ngày có khoảng 5.000 lượt xe qua chốt. Lực lượng chức năng liên tục kiểm tra thẻ nhận diện “luồng xanh” đối với phương tiện; đo thân nhiệt, kiểm tra giấy chứng nhận xét nghiệm Covid-19, giấy đi đường đối với lái xe và người ngồi trên xe… Lượng phương tiện qua chốt nhiều đến mức cán bộ, chiến sĩ hầu như không có thời gian ngơi nghỉ.

Ngày nắng, cái nóng từ mặt đường bốc lên hầm hập, ngột ngạt. Khi dông gió, những chiếc ô gắn đế bê tông rung lên bần bật. Lều, bạt như chỉ chực chờ bật tung bất cứ lúc nào. Như cơn mưa lớn kèm dông lốc vào tối 11-8, một phần mái và bạt quây lán cách ly tại chốt số 2 đã bị gió hất đổ. Cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ ở đây phải rất vất vả mới có thể chằng, chống lại. Trời tối, lại mưa to gió lớn, một số chiến sĩ phải đứng giữ cố định tấm biển “luồng xanh” để các phương tiện dễ nhận biết khi qua chốt. 

Cương quyết yêu cầu xe tải mang biển kiểm soát 12C-093.44 phải quay đầu tại chốt số 14 (đầu cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình thuộc địa phận huyện Thạch Thất), ông Trần Minh Tú (Đội Thanh tra giao thông - vận tải đường bộ thuộc Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) giải thích, xe này có thẻ “luồng xanh” hợp lệ nhưng giấy chứng nhận xét nghiệm Covid-19 âm tính của lái xe đã hết hạn. Với những trường hợp này, lực lượng chức năng đều yêu cầu không được vào Hà Nội.

Trước đó từng có 15 ngày bám trụ tại chốt số 2, nay vừa chuyển sang chốt số 14, ông Trần Minh Tú chia sẻ: "Áp lực công việc không cao như ở chốt số 2 bởi lưu lượng phương tiện chỉ bằng khoảng 1/10, nhưng không vì thế mà bớt đi sự vất vả. Mỗi chốt lại có những đặc thù riêng, càng ở nơi vắng vẻ, trống trải, điều kiện thời tiết càng khắc nghiệt, điều kiện sinh hoạt càng khó khăn".

Tương tự chốt số 14, các chốt kiểm soát trên đường Võ Nguyên Giáp (huyện Đông Anh) hay chốt đầu cầu Vĩnh Thịnh (thị xã Sơn Tây)… đều xa khu dân cư, cơ sở vật chất thiếu thốn. Các đơn vị chức năng của Sở Xây dựng Hà Nội phải vận chuyển nước sinh hoạt bằng xe stec và lắp đặt nhà vệ sinh di động. Với những chốt xa dân cư như vậy, nhiều cán bộ trực phải mang cặp lồng cơm theo. Dù vất vả nhưng mọi người vẫn kiên cường, thực hiện tốt nhiệm vụ nhằm bảo đảm không có xe nào lọt trạm mang theo mầm bệnh vào thành phố.

Xứng với niềm tin từ hậu phương

“Đi chốt thế này người thân ở nhà có lo lắng?” Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Hànộimới, ông Bùi Đức Long (cán bộ Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất, đang làm việc tại chốt số 14) tâm sự: “Đương nhiên là có, vì ở chốt, mỗi ngày phải tiếp xúc với cả nghìn người lạ, không biết ai mang mầm bệnh…, nhưng vợ con đều động viên mình phải nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, vững vàng vượt qua đại dịch. Mỗi người cố gắng một chút, dịch bệnh qua đi, bữa cơm gia đình sẽ lại ấm cúng khi có đầy đủ thành viên”.

Cũng theo ông Bùi Đức Long, công việc dù vất vả,nhiều rủi ro nhưng cán bộ, chiến sĩ, nhân viên ở chốt số 14 luôn nhận được sự quan tâm của nhân dân địa phương. Bà con thỉnh thoảng mang hoa quả, chè, bánh kẹo, sữa tươi… cho anh em bồi dưỡng, có thêm sức khỏe bám chốt. Nhiều tài xế khi qua trạm cũng ân cần thăm hỏi, động viên anh em. Mỗi khi hết ca trực, trước khi về nhà, cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế được khử khuẩn toàn bộ quần áo, trang thiết bị. Hằng tuần, toàn bộ lực lượng tham gia chốt trực đều được xét nghiệm Covid-19 để bảo đảm an toàn nên anh em cũng yên tâm.

Theo chia sẻ của nhiều cán bộ, chiến sĩ, cảm thông với vất vả của lực lượng chốt trực, các cấp chính quyền địa phương và doanh nghiệp nơi đóng chốt đã có những việc làm động viên, chăm lo rất thiết thực. Với các điểm chốt xa, khó khăn về điều kiện sinh hoạt, UBND các xã lân cận cắt cử người thường xuyên cung cấp, bổ sung nước sinh hoạt. Hay như tại chốt số 2, nhân viên của Trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ hỗ trợ nấu cơm hằng ngày cho cán bộ, chiến sĩ, nhân viên làm nhiệm vụ tại chốt trực.

Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Lê Xuân Tiến khẳng định: “Trong bối cảnh cả nước và thành phố “căng mình” chống dịch, thời tiết dù khắc nghiệt đến đâu cũng không bằng nguy cơ của dịch Covid-19, chỉ một thoáng sơ sẩy là có thể cuốn phăng đi tất cả sự cố gắng của toàn thành phố. Chúng tôi sẽ luôn nỗ lực để xứng đáng với sự hỗ trợ, động viên kịp thời và niềm tin từ hậu phương, đó là gia đình, bạn bè và mỗi người dân Thủ đô".

Trong những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, lãnh đạo thành phố cũng thường xuyên quan tâm thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch. Khi trực tiếp thị sát điều kiện làm việc, nơi ăn, chỗ ở của cán bộ, chiến sĩ, y bác sĩ đang trực tại một số chốt trên địa bàn thành phố, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã biểu dương tinh thần trách nhiệm, kết quả công tác của các cán bộ, chiến sĩ kể từ khi lập chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19.

"Việc giữ nghiêm từ "đầu vào" những ngày vừa qua đã tạo "lá chắn" rất quan trọng bảo vệ thành phố từ sớm, từ xa; qua đó góp phần vào kết quả phòng, chống dịch chung của thành phố", Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhắn gửi.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Tuấn Lương