Tránh để xảy ra tình trạng giáo viên mầm non nghỉ việc

Giáo dục - Ngày đăng : 16:07, 29/08/2021

(HNMO) - Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản gửi các sở giáo dục và đào tạo hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non với đề nghị các đơn vị khẩn trương rà soát, hỗ trợ giáo viên mầm non khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tránh để xảy ra tình trạng giáo viên nghỉ việc.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các sở giáo dục và đào tạo quan tâm hỗ trợ giáo viên mầm non khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tránh để xảy ra tình trạng giáo viên nghỉ việc. Ảnh minh họa

Cụ thể, Bộ đề nghị địa phương khẩn trương rà soát, thống kê các thiệt hại của các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục; tham mưu chính quyền các cấp có giải pháp hỗ trợ khắc phục khó khăn để duy trì hoạt động của đơn vị; hỗ trợ giáo viên khó khăn, tránh để xảy ra tình trạng giáo viên mầm non nghỉ việc, cơ sở giáo dục mầm non giải thể. 

Trong thời gian trẻ em chưa đến trường để phòng, chống dịch Covid-19, các sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo các nhà trường không tổ chức dạy học trực tuyến với trẻ mầm non; với trẻ mẫu giáo 5 tuổi, cần lựa chọn những nội dung cần thiết, hướng dẫn phụ huynh giáo dục trẻ ở nhà theo điều kiện gia đình nhằm chuẩn bị cho trẻ sẵn sàng vào học lớp 1. 

Khi trẻ em được quay trở lại trường, các cơ sở giáo dục mầm non điều chỉnh kế hoạch năm học và tổ chức thực hiện chương trình theo kịch bản phù hợp; lựa chọn nội dung giáo dục cần thiết, phù hợp với thời gian còn lại của năm học, hướng dẫn giáo viên chủ động điều chỉnh kế hoạch giáo dục phù hợp với khả năng của trẻ em trong lớp, giúp trẻ em đạt mục tiêu, kết quả mong đợi cuối độ tuổi theo chương trình quy định. 

Các địa phương giao quyền chủ động cho cơ sở giáo dục mầm non, giáo viên trong việc áp dụng phương pháp, mô hình giáo dục tiên tiến; lựa chọn, bổ sung những nội dung, phương pháp giáo dục phù hợp, đúng quy định, bảo đảm tính khoa học, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với văn hóa, điều kiện thực tế và khả năng, nhu cầu của trẻ nhằm nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. 

Thống Nhất