Hiệu quả ban đầu từ thuốc kháng vi rút sử dụng cho bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ
Đời sống - Ngày đăng : 18:47, 30/08/2021
Chú ý khi dùng thuốc kháng vi rút
Sau khi được Bộ Y tế cho phép thử nghiệm lâm sàng thuốc kháng vi rút Molnupiravir dành cho F0 thể nhẹ điều trị tại nhà, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển cơ số thuốc này xuống phường, xã. Bước đầu, loại thuốc đặc trị này đã đạt những kết quả thử nghiệm tích cực.
Phó Giáo sư Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố cho biết, đây là biệt dược của Cộng hòa Liên bang Đức chuyển giao công nghệ và giấy phép sản xuất cho một doanh nghiệp dược phẩm tại thành phố Hồ Chí Minh. Được phép của Bộ Y tế, thuốc đã được thử nghiệm lâm sàng tại Bệnh viện Thống Nhất với liều dùng 5 ngày, mỗi ngày 4 viên, chia 2 lần cho bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ. Kết quả cho thấy, sau quá trình dùng thuốc, tải lượng vi rút trong mẫu dịch xét nghiệm của bệnh nhân giảm rõ rệt.
“Biệt dược này bắt buộc dùng theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh không tự ý sử dụng. Theo khuyến cáo, chỉ bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ có nhịp thở 20 lần/phút; nồng độ ôxy trong máu trên 95%, không trong thời gian mang thai hay cho con bú… mới được tham gia chương trình này. Khi dùng, phải ký cam kết tham gia thử nghiệm lâm sàng, bởi đây là loại thuốc đang trong quá trình theo dõi cấp phép lưu hành tại Việt Nam”, bà Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.
Là một người tham gia thử nghiệm thuốc Molnupiravir, chị H.T.P.T, ngụ tại phường 8, quận 11, cho biết: “Nhà tôi có 5 người nhiễm Covid-19 được điều trị tại nhà. Các bác sĩ trạm y tế phường đã xuống thăm khám và cho 2 người tham gia thử nghiệm thuốc này theo đề xuất của gia đình. Sau 3 ngày dùng thuốc, người dùng đã có tiến triển sức khỏe rõ rệt”.
Thuốc Mulnupiravir được Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đưa vào gói thuốc C (thuốc đặc trị) trong chương trình 150.000 túi thuốc với 3 loại A, B, C phục vụ điều trị F0 tại nhà. Theo đó, gói A gồm các thuốc hạ sốt, thuốc bổ tăng cường thể trạng, mỗi gói có liều dùng trong 7 ngày. Gói B là các thuốc đặc hiệu kháng viêm, kháng đông, có liều dùng trong 3 ngày và phải dùng theo chỉ định của bác sĩ, khi bệnh nhân có dấu hiệu suy hô hấp, nhịp thở lên đến 30 lần/phút; nồng độ ôxy trong máu dưới 95%. Hiện đã có 77.000 túi thuốc các loại được chuyển xuống phường, xã. Thành phố đã dự trữ hơn 66.000 túi thuốc nữa, bổ sung cho cơ sở khi cần.
“Việc đưa 3 loại gói thuốc phục vụ điều trị triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh xuống cơ sở nằm trong chiến lược chung của ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh về tăng cường điều trị F0 thể nhẹ tại nhà, giảm áp lực lên hệ thống cơ sở y tế để tăng cường nhân lực, vật lực điều trị cho các ca Covid-19 trở bệnh nặng, giảm số ca tử vong”, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Hưng thông tin.
Nói thêm về kết quả giảm số ca tử vong, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải cho biết: “Trong 7 ngày qua, số ca tử vong đã giảm rõ rệt. Cụ thể, ngày 23-8, có 340 ca tử vong, Ngày 24-8 có 266 ca. Ngày 25-8 có 242 ca. Ngày 26-8 có 387 ca. Ngày 27-8 có 271 ca. Ngày 28-8 có 256 ca và ngày 29-8 có 245 ca. Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt để tiếp tục giảm số ca tử vong trong những ngày tới”.
Shipper là giải pháp tình thế
Nói về ngày đầu tiên thành phố Hồ Chí Minh cho phép 25.000 shipper hoạt động trở lại trên địa bàn, bao gồm cả những quận, huyện đang là "vùng đỏ" (vùng nguy cơ cao) của dịch Covid-19, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết, đây là lực lượng bổ sung cho khối vận chuyển hàng hóa từ nơi bán đến tay người tiêu dùng, không phải lực lượng chủ đạo trong các giải pháp chăm lo an sinh cho người dân khi thành phố tăng cường giãn cách phòng dịch Covid-19.
Giải thích rõ hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Nguyên Phương nói: “Shipper không phải nhân viên của hãng giao hàng. Họ là lao động tự do, tham gia vận chuyển hàng hóa, có thể hoạt động hay dừng hoạt động tùy ý. Vì vậy, rất khó để kiểm soát. Trước mắt, những người được hoạt động là người đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin phòng Covid-19. Tại các vùng đỏ và da cam, shipper được xét nghiệm miễn phí 1 ngày/lần; tại vùng vàng và xanh, xét nghiệm 2 ngày/lần. Thời gian xét nghiệm vào 5-6h sáng mỗi ngày tại 413 trạm y tế lưu động và 320 trạm y tế xã phường, thị trấn. Sau thời gian triển khai, thành phố sẽ phân tích tình hình và đưa ra những quyết định phù hợp hơn”.
Về phía người sử dụng dịch vụ, chị Trần Thu Trang, ngụ tại chung cư Hoàng Anh Thanh Bình (phường Tân Hưng, quận 7) cho biết, việc có thêm đội ngũ shipper sẽ giúp người dân có thêm lựa chọn khi mua bán, giao nhận hàng thiết yếu trong thời gian giãn cách. “Tuy nhiên, tôi vẫn phải nhắc mọi người trong nhà thực hiện nghiêm việc phòng dịch vì shipper đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, có thể gây lây nhiễm bệnh từ vùng này sang vùng khác”, chị Trang cho biết thêm.
Cùng với đó, các địa phương tại thành phố Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục triển khai nhiều hình thức trợ giúp người dân. Đơn cử như tại quận Bình Thạnh, Thượng tá Nguyễn Tiến Đạt, Trưởng Công an quận Bình Thạnh cho biết, trong ngày 30-8, Công an quận đã trao tận tay 2.100 phần quà, mỗi phần quà gồm 10kg gạo, 1 chai nước tương và 10 hộp cá cho bà con xóm trọ đang gặp khó khăn để chia sẻ và trợ giúp bà con.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.