Nâng chất lượng thanh long để mở rộng thị trường xuất khẩu

Kinh tế - Ngày đăng : 14:58, 31/08/2021

(HNMO) - Các địa phương, doanh nghiệp và người trồng thanh long cần tập trung sản xuất những sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường; liên kết đồng bộ các khâu để bảo đảm độ tươi ngon và chất lượng sản phẩm...

Sơ chế thanh long xuất khẩu. Ảnh minh họa: Internet

Đây là những nội dung được đưa ra tại Hội nghị Giao thương trực tuyến thanh long Việt Nam với các thị trường xuất khẩu tiềm năng 2021 do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, Sở Công Thương các tỉnh Long An và Bình Thuận tổ chức trong hai ngày 30 và 31-8.

Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, thanh long hiện được xếp vào nhóm mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong những năm qua. Thị trường xuất khẩu chính của thanh long Việt Nam là Trung Quốc (chiếm tới hơn 80%), Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Liên minh châu Âu và Chile. Hiện Việt Nam còn chế biến sản phẩm thanh long sấy khô, sấy dẻo, nước ép si rô, snack thanh long, rượu vang thanh long, kem thanh long, chả cá thanh long, bánh mì thanh long… Một số sản phẩm thanh long chế biến đã được xuất khẩu.

Theo đại diện tỉnh Long An, sản lượng thanh long của tỉnh là khoảng 330.000 tấn/năm, với 2 loại chính là thanh long ruột trắng và ruột đỏ. Việc trồng và chế biến thanh long của tỉnh phát triển theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ cao. Sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Nhãn hiệu thanh long Tầm Vu cũng được bảo hộ tại 5 quốc gia là Mỹ, Pháp, Nhật, Singapore và Trung Quốc. Còn tỉnh Bình Thuận hiện có 33.750 ha trồng thanh long, trong đó, diện tích thanh long được chứng nhận VietGAP đạt 11.936 ha, GlobalGAP đạt 517 ha, với sản lượng trung bình 650.000 tấn quả/năm. 

Hình ảnh tại các điểm cầu.

Ông Nguyễn Phú Hòa, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, đơn vị đã tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tiếp thị, quảng cáo quả thanh long tại thị trường Australia. Ông Nguyễn Phú Hòa khuyến nghị các địa phương, người trồng và doanh nghiệp cần quan tâm sản xuất những sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Cần chế biến sản phẩm từ thanh long đa dạng hơn về mẫu mã, mùi vị, nâng cao chất lượng để phù hợp với thị hiếu tiêu dùng cũng là khuyến nghị được ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản chia sẻ tại hội nghị. Theo ông Tạ Đức Minh, người tiêu dùng Nhật Bản thường ăn thanh long theo kiểu làm salad, trộn với ngũ cốc, hoặc ăn trực tiếp, coi đó là loại quả giàu dinh dưỡng, chất xơ, đem lại làn da đẹp. Do đó, nhà sản xuất, doanh nghiệp cần liên kết đồng bộ từ khâu trồng trọt, xử lý, bảo quản, vận chuyển và xuất khẩu để bảo đảm độ tươi ngon và chất lượng sản phẩm, giữ vững thương hiệu và thị trường...

Trong khuôn khổ hội nghị, các phiên giao thương trực tuyến được tổ chức nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thanh long Việt Nam quảng bá, giới thiệu các mặt hàng thanh long Việt Nam tới khách hàng tiềm năng từ Australia, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu…

Lam Giang