Tình cảm và trách nhiệm

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:10, 01/09/2021

(HNM) - Thấm nhuần đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" và phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau", từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân Thủ đô luôn dành sự quan tâm đặc biệt, chăm lo tốt nhất đời sống của những người có công với cách mạng.

Điều dễ nhận thấy nhất trong thời gian gần đây, nhất là dịp Quốc khánh 2-9 này, đó là các cấp, ngành, địa phương của thành phố đã triển khai nhiều hoạt động, việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp điều kiện thực tế nhằm tri ân người có công. Bên cạnh việc triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi đối với người có công, thành phố Hà Nội đã có quyết định hỗ trợ đặc thù đối với gần 73.000 người có công trên địa bàn (1 triệu đồng/người); đồng thời dành hơn 3,8 tỷ đồng để thăm hỏi, tặng quà người có công dịp Quốc khánh 2-9. Hiện nay, việc chi kinh phí hỗ trợ, tặng quà đối với người có công đã cơ bản hoàn tất, giúp người có công giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Cùng với đó, các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, chăm sóc người có công, hỗ trợ người có công và thân nhân thu hoạch, tiêu thụ nông sản… ở khắp các thôn, xóm, khu dân cư hay tại các trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc người có công của thành phố cũng được triển khai đồng bộ. Mặt khác, hoạt động phụng dưỡng, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; thương binh, bệnh binh; bố trí nguồn lực hỗ trợ người có công, gia đình chính sách xây mới, sửa chữa nhà ở… cũng được các ngành, địa phương thường xuyên triển khai.

Bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội đang và sẽ tiếp tục tác động tới đời sống của người có công. Do đó, ngay trong thời điểm này, các cấp, ngành, đặc biệt là ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, các địa phương trên địa bàn thành phố cần chú trọng tổ chức thực hiện tốt Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2021. Bên cạnh đó, đẩy mạnh chăm lo tốt nhất về sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và các đối tượng có công với cách mạng khác, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành nhằm tiếp tục thắp sáng ngọn lửa tri ân đối với người có công với cách mạng.

Mặt khác, cần tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác chăm lo đời sống người có công với cách mạng, gắn với đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng chính sách ưu đãi người có công để trục lợi.

Dịch Covid-19 dự báo có thể kéo dài, do đó để bảo đảm mức sống của người có công với cách mạng bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú, các xã, phường, thị trấn cần quan tâm đến các gia đình người có công không nơi nương tựa, có hoàn cảnh khó khăn; thường xuyên rà soát để kịp thời hỗ trợ, động viên người có công. Cùng với đó, ưu tiên nguồn lực giải quyết những nhu cầu cấp thiết đối với người có công, như hỗ trợ người có công và thân nhân học nghề, tạo việc làm, vay vốn phát triển kinh tế... 

Thực hiện tốt chính sách ưu đãi, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đối với người có công vừa là tình cảm thiêng liêng, vừa là trách nhiệm của hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở và toàn dân. Đây cũng là việc làm thường xuyên - không chỉ trong thời điểm có dịch Covid-19 nhằm động viên người có công tiếp tục phát huy truyền thống, tích cực đóng góp xây dựng Thủ đô, đất nước.

Hoàng Hà