Giảm nợ đóng bảo hiểm xã hội: Bảo đảm quyền lợi cho người lao động
Đời sống - Ngày đăng : 07:41, 01/09/2021
Gia tăng tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội
Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội vừa công khai danh sách 150 đơn vị nợ đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên trên các phương tiện truyền thông, với số tiền lên tới hơn 62 tỷ đồng. Đứng đầu danh sách là Công ty cổ phần Sông Đà 6, trụ sở tại nhà TM, Khu đô thị Văn Khê (phường La Khê, quận Hà Đông) với số tiền nợ hơn 12 tỷ đồng trong 17 tháng của 520 lao động. Tiếp đến là Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vina2, trụ sở tại tòa nhà B, Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ, phường Đại Kim (quận Hoàng Mai) với số tiền nợ hơn 4,2 tỷ đồng trong 21 tháng của 183 lao động...
Ngoài danh sách vừa công bố, thống kê của Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho thấy, tính đến cuối tháng 8-2021, toàn thành phố còn hơn 76.000 đơn vị, doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động với số tiền hơn 4.952 tỷ đồng, bằng 9,52% tổng số tiền phải thu. Như vậy, tình trạng nợ bảo hiểm xã hội tiếp tục tăng (tăng 10,55% so với cùng kỳ năm trước và tăng 47,2% so với thời điểm cuối năm 2020). Đáng chú ý, trong tổng số tiền nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì có tới hơn 1.867 tỷ đồng phải tính lãi, tăng gần 561 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2020, tương ứng với mức tăng 42,9%...
Nguyên nhân chính khiến tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội tăng là do dịch Covid-19 làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động. Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, từ đầu năm 2021 đến hết ngày 31-7, các cơ quan chức năng đã tiến hành thủ tục giải thể cho hơn 1.700 doanh nghiệp, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020; hơn 7.400 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, khảo sát nhanh của liên sở, ngành đối với gần 1.500 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong thời gian gần đây cho thấy, hơn 57% doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng, gần 39% doanh nghiệp hoạt động bình thường, hơn 2,6% doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể và chỉ có hơn 1,4% doanh nghiệp hoạt động tốt trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp...
Ngoài những yếu tố khách quan, có một số đơn vị, doanh nghiệp không chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, cố tình nợ đóng, trốn đóng hoặc đóng bảo hiểm xã hội không đúng mức quy định. Ngày 21-5-2021, UBND thành phố Hà Nội đã có Công văn số 1537/UBND-KGVX về thực hiện xử lý sau thanh tra tại các đơn vị nợ đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn thành phố năm 2020. UBND thành phố giao các cơ quan chức năng lập, hoàn thiện hồ sơ để xem xét xử lý hình sự đối với 14 đơn vị vi phạm các quy định về bảo hiểm xã hội.
Triển khai nhiều giải pháp
Để giảm tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn bằng nhiều giải pháp. Nổi bật là các giải pháp hỗ trợ giảm đóng bảo hiểm xã hội.
Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, đến nay, toàn ngành đã hỗ trợ giảm đóng Quỹ Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bằng 0% cho hơn 88.000 đơn vị với gần 1,48 triệu lao động, số tiền giảm đóng là hơn 101 tỷ đồng. Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội thành phố đã ra quyết định và thực hiện tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất cho gần 50 đơn vị với gần 4.000 lao động, số tiền tạm dừng đóng là hơn 28 tỷ đồng; xác nhận cho nhiều nhóm đối tượng không đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, làm căn cứ cho các ngành, địa phương tiến hành hỗ trợ an sinh xã hội...
Đối với các doanh nghiệp ít bị tác động, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ đầu năm 2021 đến nay, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã tuyên truyền, đôn đốc, nhắc nhở hơn 4.000 đơn vị thực hiện nghĩa vụ đóng, nộp bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã ghi nhận hơn 2.100 đơn vị đã khắc phục triệt để số tiền nợ và gần 1.100 đơn vị khắc phục một phần số tiền nợ, nộp về hơn 408 tỷ đồng. Với những đơn vị nợ đóng kéo dài, các cơ quan chức năng đã thanh tra, kiểm tra tại hơn 1.600 đơn vị, thu hồi được hơn 221 tỷ đồng...
Cùng với những giải pháp đã triển khai, ngày 26-8-2021, UBND thành phố Hà Nội đã có Kế hoạch số 194/KH-UBND về thực hiện các giải pháp, biện pháp thu hồi nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, UBND thành phố yêu cầu các bên liên quan tăng cường tuyên truyền về tính ưu việt của chính sách bảo hiểm xã hội để các bên hiểu rõ, nghiêm túc thực hiện. Công tác thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội cần được tăng cường; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội. Đặc biệt, các đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng hoặc không tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ cho người lao động sẽ không được vinh danh, khen thưởng, không xét tham gia đấu thầu và đầu tư dự án...
Hy vọng, những biện pháp đôn đốc thu nợ bảo hiểm xã hội sẽ góp phần giảm đáng kể tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội trong năm 2021 và những năm tiếp theo.